Đó là quan điểm được nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thủ đô chiều 27/10.
Cần có những cơ chế đặc thù
Trên cơ sở nhìn nhận mỗi quốc gia chỉ có một Thủ đô và Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn khi được thông qua, Luật sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô… Các đại biểu đánh giá cao sự tiếp thu chỉnh lý của ban soạn thảo, cho rằng dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đầy đủ hơn, cụ thể và rõ ràng hơn, nêu lên được những đặc thù của Thủ đô. ĐBQH Uông Chu Lưu (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, cần phải xác định Luật không phải nhằm mục đích điều chỉnh Hà Nội với tư cách là đô thị, trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính, thành phố đặc biệt thuộc T.Ư mà điều chỉnh Hà Nội với tư cách là Thủ đô và khẳng định vai trò, vị trí của Thủ đô với cả nước và cả nước vì Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, để xây dựng và phát triển Thủ đô của một nước cần phải có Luật để điều chỉnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Cù Thị Hậu phát biểu tại Phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Thủ đô. Ảnh: TTXVN
Theo ĐB Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ), việc xây dựng Luật Thủ đô là việc làm hết sức cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý để Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam phát triển. Dự thảo Luật cần nhấn mạnh nét đặc thù nhất của Hà Nội hiện nay đó là nơi có trụ sở của tất cả các cơ quan đầu não T.Ư, nơi diễn ra các hoạt động chính trị lớn của cả nước và quốc tế. Với đặc thù này, chắc chắn trong điều hành của TP Hà Nội sẽ có những sự khác biệt với các địa phương khác. Và phải làm rõ với vị trí quan trọng như vậy, Thủ đô Hà Nội cần có những đặc thù gì trong mối quan hệ với các cơ quan T.Ư, trong quản lý chỉ đạo điều hành…
Hạn chế nhập cư không phải là “cấm đoán”
Thảo luận một số nội dung cụ thể, nhiều đại biểu bày tỏ sự ủng hộ về quy định chặt hơn việc nhập khẩu vào nội thành Hà Nội như dự thảo Luật, trong đó có điều kiện về nhà ở. Đây là quy định đảm bảo luật được thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng người dân có thể làm theo kiểu hình thức để đối phó. ĐB Phạm Thị Hồng Nga (đoàn Hà Nội) dẫn chứng, năm học 2012 - 2013, Thủ đô có 1,6 triệu học sinh, bình quân mỗi năm tăng xấp xỉ 100.000 em, xây trường không kịp với tốc độ gia tăng dân số.
Ủng hộ việc hạn chế nhập cư vào nội đô, ĐB Nguyễn Bá Thanh (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, "việc quy định chặt là chính xác, lớp học còn có sỹ số chứ đừng nói là Thủ đô". Tuy nhiên, để quy định được thực hiện nghiêm túc, người muốn nhập cư phải có nhà thuê của một công ty chuyên nghiệp cho thuê nhà ở, chứ không thể "quen biết" một chút là được nhập hộ khẩu. Bởi hiện nay, có trường hợp nhiều nhà diện tích 30 - 40m2 có hộ khẩu cả chục người, chỗ nằm cũng không đủ!
Theo ĐB Uông Chu Lưu, hiện Hà Nội đang chịu nhiều áp lực giữa tốc độ gia tăng dân số tự nhiên với hạ tầng xã hội và điều này chỉ giải quyết được khi có Luật. Bên cạnh đó, cần kết hợp các biện pháp khác như: Đầu tư cho ngoại thành, phát triển vùng Thủ đô... ĐB Nguyễn Thị Minh Tiến (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng nhận định: Tôi đồng tình với biện pháp nêu trong dự thảo, nếu không làm như vậy sẽ gây quá tải về dân số!
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị phân tích, Luật Thủ đô chỉ hạn chế nhập cư nội thành và quy định này xét cho cùng cũng để đảm bảo cuộc sống cho những người nhập cư cũ và mới, phù hợp với quy mô dân số mà quy hoạch chung của Hà Nội đã đề ra. Vì vậy, cần có những quy định hạn chế ở một mức độ nhất định. “Quy định này không có nghĩa là hạn chế lao động tự do, nếu luật được thông qua, họ vẫn tự do sinh sống như hiện nay" - ĐB Phạm Quang Nghị khẳng định.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng, thu phí giao thông để hạn chế phương tiện dự kiến cao hơn 2 lần, các đại biểu nhận định đó là "điều hợp lý tất yếu". ĐB Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc thu phí cao để hạn chế phương tiện vào nội đô cũng là một cách giúp Thủ đô Hà Nội giải toả ùn tắc giao thông, dù đây mới chỉ là giải pháp bước đầu. ĐB Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai) đánh giá việc làm này là cần thiết vừa mang tính răn đe, vừa có nguồn đầu tư hạ tầng, có như vậy mới gìn giữ được văn hóa ngàn năm.
Theo chương trình, dự án Luật Thủ đô sẽ tiếp tục được các ĐB thảo luận tại Hội trường vào ngày 5/11 tới.
Hà Nội cần có quy định riêng vì Hà Nội là Thủ đô, là nơi đặt trụ sở của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan ngoại giao, là nơi diễn ra các hoạt động chính trị lớn của cả nước và quốc tế. Trong khi các luật đã thông qua không đủ điều kiện cho Hà Nội phát triển thì Luật Thủ đô được xây dựng là để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Dự thảo có đề cập để Thủ đô được hưởng cơ chế riêng, đặc thù không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển Hà Nội mà còn đáp ứng yêu cầu của Thủ đô với tư cách đảm nhiệm các chức năng, yêu cầu của trung tâm hành chính quốc gia.
Ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội
|