Đa lợi ích nhờ sử dụng phân bón hữu cơ

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất giống lúa mới đang chứng tỏ nhiều ưu điểm khi tăng độ phì nhiêu của đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn.

Mô hình ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7 có gen kháng bạc lá vụ Mùa 2022 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh
Mô hình ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7 có gen kháng bạc lá vụ Mùa 2022 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh

Ngày 13/9, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức đánh giá thực tế mô hình ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7 có gen kháng bạc lá với quy mô 20ha, tại 2 điểm xã Thanh Văn và thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai).

Theo đánh giá, mô hình lúa Bắc thơm số 7 có gen kháng bạc lá có bón phân hữu cơ Nano có nhiều ưu điểm vượt trội so với lúa đối chứng (giống lúa Bắc thơm số 7 có gen kháng bạc lá sử dụng hoàn toàn phân bón vô cơ).

Cụ thể, diện lúa mô hình được bón phân hữu cơ Nano giảm 50% lượng phân bón vô cơ, lúa đẻ nhánh tập trung, trỗ tập trung, số bông trên khóm, số hạt trên bông và tỷ lệ hạt chắc cao hơn so với đối chứng; chiều cao cây lúa cao hơn, lá lúa có màu sáng, bản lá to dày, cứng hơn nên khả năng chống đổ tốt hơn và ít sâu bệnh hại hơn so với lúa đối chứng.

Dự kiến lúa sử dụng phân bón hữu cơ Nano, giảm 50% phân vô cơ cho năng suất dự kiến đạt 57,3 tạ/ha, cao hơn 4,8 tạ/ha so với năng suất lúa đối chứng (dự kiến đạt 52,5 tạ/ha).

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho biết, để triển khai mô hình hiệu quả, 60 hộ nông dân tham gia đều được Trung tâm tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 50% lượng phân bón, 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đặc biệt, Trung tâm cử cán bộ khuyến nông cơ sở thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quy trình sản xuất của bà con.

Hiệu quả của mô hình ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất giống lúa mới được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất lúa theo hướng năng suất chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, từng bước giúp nông dân thay đổi tư duy, tăng sử dụng phân bón hữu cơ cho cây lúa thay vì lạm dụng các loại phân bón vô cơ.

Cũng theo ông Lê Lưu Cầu, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội luôn đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho nông dân chuyển đổi mô hình canh tác, tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng vào sản xuất.

Thành công và sự lan tỏa của các mô hình đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung trên địa bàn TP. Qua đó, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất lúa, nâng cao thu nhập, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.