"Đã mắt" ngắm dâu tằm chín đỏ mọng ở ngoại thành Hà Nội

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, mùa dâu tằm của xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ đã bước vào chín rộ. Cả vùng bãi ven sông Đáy như được khoác lên mình tấm áo mới, với màu đỏ rực của những trái dâu tằm chín mọng.

Mùa dâu tằm ở Hiệp Thuận thường bắt đầu từ giữa tháng 2 Âm lịch, kéo dài đến hết tháng 3. Hiện toàn xã đang canh tác khoảng hơn 5ha dâu tằm lấy quả.
Trước đây, dâu tằm vốn được người dân Hiệp Thuận trồng để lấy lá chăn tằm. Tuy nhiên, khi nghề ươm tơ dệt lụa mai một, người dân đã chuyển dần sang trồng cây lấy quả.
Dâu tằm ăn quả được người dân Hiệp Thuận phát triển mạnh khoảng 5 năm trở lại đây. Người tiêu dùng thường mua loại quả này về ngâm siro, ngâm rượu, làm mứt...
Dâu tằm khi chín có màu tím thẫm, vị ngọt thanh. Loại quả này khi chín dễ dập nát, do đó cần thu hoạch ngay, nếu để quá quả sẽ rụng và thối hỏng
Dâu tằm là cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, việc thu hoạch là tốn nhiều công nhất. Trung bình mỗi người chỉ thu hoạch được từ 50 - 60kg dâu/ngày.
Những ngày chín rộ, các hộ dân trồng dâu tằm ở Hiệp Thuận phải huy động nhân lực của cả gia đình ra thu hoạch.
Việc thu hoạch dâu cũng cần nhẹ nhàng, khéo léo, không sẽ làm rụng các quả chưa chín.
Khi dâu đã chín rộ, trung bình cứ sau thu hoạch 1 ngày là dâu lại chín lứa mới.
Dâu được các thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg
Các thương lái thường đến tận vườn thu mua dâu. Tuy nhiên, giá cả sản phẩm thường bấp bênh theo thị trường.
Thu nhập từ dâu tằm trung bình từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do đầu ra sản phẩm còn phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh, do đó, chính quyền xã Hiệp Thuận vẫn đang cân nhắc việc mở rộng thêm diện tích trồng loại cây này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần