Đà Nẵng cấm xe khách trên 30 chỗ chỉ là giải pháp tạm thời?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/4 TP Đà Nẵng tiến hành xử phạt vi phạm của xe khách từ 30 chỗ trở lên (trừ xe buýt) lưu thông trên một số tuyến đường trung tâm TP trong giờ cao điểm từ 17h00 – 18h00 hàng ngày. Tuy nhiên theo đánh giá đây chưa phải là giải pháp để lâu dài để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông của Đà Nẵng.

Ùn tắc “nhân rộng”

Đến thời điểm hiện tại, TP Đà Nẵng đang quản lý đăng ký khoảng 900 nghìn phương tiện các loại, trong đó xe máy trên 810 nghìn chiếc. Chiều dài mạng lưới đường bộ toàn TP là trên 1.200km, trong đó đường đô thị khoảng 900 km, với số lượng ô tô, xa máy như ở thời điểm hiện tại tính theo mật độ tĩnh trung bình có gần 1000 phương tiện/1km đường đô thị.
 Xe khách từ 30 chỗ sẽ không được lưu thông tại trung tâm Đà Nẵng giờ cao điểm
Theo Kiến trúc sư Tô Hùng – Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng, hiện TP có khoảng 2.000 con đường, nhưng 70% số đó là đường có chiều rộng nhỏ chỉ lưu thông được từ 2 – 4 làn xe, trong khi đó chiều dài các tuyến đường lại ngắn, trung bình từ 400 – 500m/tuyến. Những đáng quan tâm hơn là việc TP Đà Nẵng tuy nhỏ, nhưng có quá nhiều nút giao thông, hiện tại TP có trên 8.300 nút giao thông trong khi TP. Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 4.300 nút giao thông.

Đây chính là nguyên nhân làm chậm tốc độ lưu thông và tiềm ẩn ùn tắc giao thông cục bộ. Ngoài ra cũng phải kể đến bấp cập của sự tồn tại sân bay Đà Nẵng ngay giữa trung tâm thành phố, gây nên sự chia cắt mạnh không gian đô thị, làm tăng hành trình của các phương tiện lưu thông theo hướng Đông - Tây và hạn chế các trục dọc liên kết các khu vực chức năng của đô thị.

Trong khi hạ tầng giao thông đô thị phát triển chậm thì dân số lại tăng nhanh, dẫn đến hiện tượng ùn tắc giao thông có hiện tượng “nhân rộng” trong thời gian gần đây trên địa bàn các quận trung tâm TP, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Nếu chỉ trước đây, tại Đà Nẵng chỉ xay ra tình trạng ùn tắc cục bộ và không kéo dài, thì gà đây tình trạng kẹt xe đã xảy ra ở những nút giao thông xung yếu của TP với thời gian kéo dài hơn. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, cùng với gia tăng về dân số TP Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi những áp lực về tắc nghẽ giao thông, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và tai nạn giao thông…

Theo dự kiến, đến năm 2030, dân số của Đà nẵng sẽ có khoảng 2,5 triệu người tăng gần gấp đôi dân số hiện nay, thì những áp lực về hạ tầng giao thông lại càng lớn hơn.

Đâu là giải pháp?

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký quyết định số 793/UBND-GTVT về phân luồng đối với xe khách trên 30 chỗ khu vực trung tâm TP.

Theo đó, vào giờ cao điểm từ 17h – 18h hàng ngày, các phương tiện xe khách từ 30 chỗ trở lên (trừ xe buýt) sẽ không được lưu thông tại một số tuyến đường thuộc trung tâm TP và sẽ tiến hành xử phạt đối với những phương tiện không chấp hành kể từ ngày 01/4/2018.

Kỹ sư Trần Dân – Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng cho biết, việc UBND TP Đà Nẵng thực hiện cấm các phương tiện vận tải hành khách từ 30 chỗ trở lên vào trung tâm TP giờ cao điểm chỉ là giải pháp tạm thời, có tính tình thế, việc cấm như vậy không giải quyết được dứt điểm tình trạng tắc nghẽn giao thông của TP, đặc biệt là trong thời gian tới lượng dân số của Đà Nẵng tăng cao hơn hiện nay.

Theo Kỹ sư Trần Dân, Đà Nẵng cần phải hạn chế các phương tiện xe con cá nhân đậu đỗ tại trung tâm TP, đặc biệt là tình trạng dùng xe con đi làm hiện nay có dấu hiệu gia tăng. Trong khi bến, bãi đậu xe tại trung tâm TP thiếu việc đậu đỗ tràn lan ra lòng lề đường cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ùn tắc.

“Cùng với việc phải đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, TP nên xây dựng các bãi đậu xe xa trung tâm, bãi đậu xe này sẽ được xây dựng trở thành điểm chung chuyển. Xe khách, xe cá nhân sẽ đậu ở vùng ngoại ô. Cùng với đó là phải phát triển hệ thống vận tải công cộng (xe buýt) tăng cường thêm các tuyến và điểm dừng đón. Các loại hình vận tải khác chỉ cho phép xe khách loại nhỏ từ 24 chỗ trở xuống được hoạt động trong TP, có như vậy sẽ góp phần giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông”, kỹ sư Trần Dân nói.