Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế miền Trung
Là một trong 5 TP trực thuộc T.Ư, Đà Nẵng được xác định là trung tâm cấp quốc gia, là đầu tàu, động lực dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thời gian qua, Đà Nẵng đã nỗ lực phát triển, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều phương diện.
Cụ thể, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng ước đạt 14,05%, đứng thứ 3 cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tính theo giá hiện hành ước đạt 102,6 triệu đồng/người (tương đương hơn 4.300 USD/người), tăng 13,8% so với năm 2021. Với đà tăng trưởng đó, 3 tháng đầu năm 2023, Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vai trò của nền kinh tế đầu tàu miền Trung khi GRDP ước tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, hoạt động du lịch tiếp tục có sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ; hoạt động thương mại diễn ra sôi động, nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: “So với khối 5 TP trực thuộc T.Ư, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và xếp 4/5 về quy mô. So với 5 tỉnh, TP thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu cả tốc độ phát triển và quy mô trong vùng”.
Cũng theo ông Lê Trung Chinh, những kết quả TP đạt được ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN, trong đó có những nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn Đà Nẵng có 980 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký đạt 4,062 tỷ USD. Nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, thể hiện ở việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GRDP toàn nền kinh tế…
Kỳ vọng bứt phá trở lại
Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính gồm du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và 5 lĩnh vực mũi nhọn: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Đối với mũi nhọn du lịch, ngay từ sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chương trình kích cầu, phục hồi. Riêng năm 2023 này, TP đặt mục tiêu thu hút khoảng 1 - 1,5 triệu lượt khách nội địa, quốc tế đến tham quan du lịch, đặc biệt vào dịp lễ 30/4 – 1/5, dịp Hè và Tết. Để đạt được điều đó, ngành du lịch đã lên nhiều kế hoạch chi tiết, triển khai và mang lại những tín hiệu tích cực.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, trong quý I/2023, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1.424 nghìn lượt, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 5.206 tỷ đồng, tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 691,1 tỷ đồng, tăng 6,2 lần so với cùng kỳ.
Mới đây nhất, vào ngày 21/4, Đà Nẵng công bố Chương trình kích cầu du lịch “Tận hưởng Đà Nẵng – Enjoy Da Nang” năm 2023 với các chủ đề: Tận hưởng lễ hội; tận hưởng biển, nghỉ dưỡng; tận hưởng vui chơi giải trí; tận hưởng ẩm thực – spa và tận hưởng mua sắm. Chương trình có rất nhiều hoạt động, sự kiện thú vị, hứa hẹn mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm mới.
Lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng và cộng đồng DN đều quyết tâm làm tốt hơn các sản phẩm du lịch hiện có, tìm thêm sản phẩm mới để du khách trải nghiệm tốt nhất. Đồng thời, cung cấp dịch vụ bảo đảm chất lượng an toàn, an ninh cho du khách.
Trong khi đó, để tạo nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ cao, từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu công nghệ cao Đà Nẵng, một trong ba khu công nghệ cao cấp quốc gia và là khu công nghệ cao duy nhất tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng được xác định là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần then chốt vào sự phát triển của kinh tế Đà Nẵng trong thời gian tới. Lũy kế đến tháng 3/2023, Đà Nẵng đã thu hút 515 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung - giai đoạn 1 và 6 khu công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP, nâng cao tính cạnh tranh để hội nhập khu vực và quốc tế.
Kinh tế biển của Đà Nẵng cũng được kỳ vọng sẽ sớm bứt phá khi dự án cảng Liên Chiểu chính thức khởi công vào cuối năm 2022 và hiện nay các nhà thầu đang tập trung triển khai thi công những hạng mục thuộc phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Cảng Liên Chiểu là dự án động lực, trọng điểm, góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực. Bởi thế, lãnh đạo TP thường xuyên đốc thúc tiến độ, chất lượng dự án.
Có thể thấy, Đà Nẵng đang trở mình mạnh mẽ để khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế miền Trung; xứng đáng với biệt danh “thành phố đáng đến và đáng sống”.
"Trong thời gian tới, TP cần tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, cần tập trung triển khai các giải pháp về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn trong quý II/2023." - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng