Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng chuyển trạng thái từ 0 giờ ngày 30/9: Những hoạt động nào được phép?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 0 giờ ngày 30/9, Đà Nẵng chuyển sang trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát. Theo đó, nhiều hoạt động được phép mở cửa trở lại.

Các hoạt động tiếp tục dừng
Tối 28/9, UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định về việc áp dụng tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay kể từ 0 giờ ngày 30/9 cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, đối với vùng đang thực hiện cách ly y tế hoặc được thiết lập khi có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng: Tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp cách ly y tế, “ai ở đâu thì ở đấy”.
Đối với các vùng còn lại, tiếp tục tạm dừng các hoạt động sau đây: Hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ cơ sở cắt tóc, gội đầu), karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử.
Hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao, các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, giải đấu thể thao; hoạt động khu phố đi bộ, chợ đêm.
Hoạt động tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động thể thao trong nhà, ngoài trời có tiếp xúc trực tiếp tại các sân tập, nhà thi đấu dịch vụ; hoạt động bơi lội tại các hồ bơi dịch vụ trong nhà, ngoài trời.
TP Đà Nẵng chuyển trạng thái "bình thường mới" từ 0 giờ ngày 30/9. Ảnh: Q.HẢI
Hoạt động dạy và học trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục (các nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt...), cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, kỹ năng sống, các trung tâm tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm, học thêm.
Hoạt động phục vụ khách ăn, uống tại chỗ của các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống; tổ chức ăn, uống tập thể tại các đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia...
Ngoài ra, hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh cũng tiếp tục tạm dừng.
Người dân được đi chợ 3 ngày/lần
UBND TP Đà Nẵng đồng thời quy định các hoạt động được thực hiện với biện pháp kèm theo.
Đối với hoạt động chợ truyền thống, bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng; có vách ngăn giữa người bán, người mua và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Tiểu thương và những người làm việc trực tiếp liên quan đến hoạt động của chợ phải được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng; mang khẩu trang, khuyến khích đeo tấm che mặt trong suốt.
Mỗi hộ gia đình chỉ được đi chợ với tần suất 3 ngày/lần và phải có giấy đi mua hàng QRCode hợp lệ theo quy định; mang khẩu trang và khuyến khích đeo tấm che mặt trong suốt.
Riêng hoạt động của Chợ đầu mối Hòa Cường, Chợ đầu mối Cảng cá Thọ Quang được quy định tại văn bản riêng.
Đối với hoạt động hội họp, tập huấn, hội thảo… trong nhà do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức (trừ các hoạt động, sự kiện được cấp có thẩm quyền cho phép): Tập trung không quá 20 người trong 1 phòng; trường hợp 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng thì tập trung không quá 100 người.
Đối với hoạt động của những người giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (shipper): Phải  đeo khẩu trang y tế đạt chuẩn, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn khi tham gia hoạt động; đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự: Tập trung không quá 30 người cùng một thời điểm.
Hoạt động khách sạn, cơ sở lưu trú: Cho phép hoạt động lưu trú không quá 30% tổng số phòng hiện có, trường hợp 100% khách hàng đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng thì cho phép lưu trú không quá 50% tổng số phòng hiện có. Không được tổ chức các dịch vụ khác tại cơ sở lưu trú.
Hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng trong nội đô thành phố; vận chuyển khách bằng phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông, vịnh Đà Nẵng: Được hoạt động tối đa không quá 50% số ghế quy định trên phương tiện.
Các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà, ngoài trời không tiếp xúc trực tiếp: Tập trung không quá 20 người.
Người dân Đà Nẵng được phép tắm biển trở lại. Ảnh: Q.HẢI
Được tắm biển theo giờ quy định
Đặc biệt, người dân được phép tắm biển trở lại nhưng theo thời gian quy định, cụ thể từ 4 giờ 30 đến không quá 6 giờ 30. Ngoài ra, người dân chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và rời đi ngay sau khi tắm biển; không tập trung đông người trên bãi biển; cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong... tại bãi biển; giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với người khác; đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển xong.
Tuy nhiên, Đà Nẵng chưa cho phép dịch vụ tắm nước ngọt và các dịch vụ khác tại bãi biển và các khu vực công viên, vỉa hè ven biển (trừ dịch vụ trông, giữ xe, đồ đạc của khách theo quy định).
Đối với hoạt động các cơ sở cắt tóc, gội đầu: Chủ cơ sở, nhân viên đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày; không phục vụ quá 3 người cùng một thời điểm.
Đối với tổ chức đám tang: Không quá 48 tiếng; tập trung không quá 20 người cùng một thời điểm, có sự giám sát của chính quyền địa phương và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Đáng chú ý, người dân được di chuyển ra, vào TP Đà Nẵng và phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch hiện hành của Trung ương và hướng dẫn của TP, địa phương nơi đến.