Đà Nẵng đặc biệt thận trọng khi nạo vét âu thuyền Thọ Quang

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tổ công tác được lập ra để giám sát thường xuyên quá trình nạo vét âu thuyền Thọ Quang. Nếu có xảy ra nguy cơ ô nhiễm thì phải dừng ngay để tiếp tục tìm phương pháp mới phù hợp hơn.

Giải quyết điểm nóng môi trường

Âu thuyền Thọ Quang vốn là điểm nóng ô nhiễm môi trường của Đà Nẵng kéo dài nhiều năm qua. Để giải quyết điểm nóng này, TP Đà Nẵng đã có kế hoạch triển khai trong vòng 5 năm với rất nhiều dự án và chương trình. Nạo vét khối lượng lớn bùn lắng lưu cữu tại đây là một trong những dự án với kỳ vọng làm trong sạch âu thuyền Thọ Quang.  

Ghi nhận chiều 19/4, khu vực giữa âu thuyền Thọ Quang có 2 tàu ngoạm cỡ lớn cùng nhiều xà lan đang neo đậu. Ảnh: Q.HẢI
Ghi nhận chiều 19/4, khu vực giữa âu thuyền Thọ Quang có 2 tàu ngoạm cỡ lớn cùng nhiều xà lan đang neo đậu. Ảnh: Q.HẢI

Theo đó, Dự án nạo vét, nhận chìm bùn từ âu thuyền Thọ Quang do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP TNHH Xây dựng và thương mại 126 và Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân. Dự án đực kiến được thực hiện trong khoảng 1 năm với khối lượng bùn cần nhận chìm tại vịnh Đà Nẵng là 347.000m3. Tổng kinh phí cho hạng mục này là 99 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, đang chỉ đạo nhà thầu thí điểm nạo vét, nhận chìm bùn lưu cữu. Giai đoạn này vừa thi công vừa đánh giá tác động môi trường. Vị trí nhận chìm bùn đất đã được cơ quan chức năng đánh giá rất kỹ rồi mới phê duyệt.

Thí điểm nạo vét âu thuyền Thọ Quang.
Thí điểm nạo vét âu thuyền Thọ Quang.

Mỗi vị trí đáy âu thuyền được đào sâu xuống khoảng 2m để thu gom lớp bùn bên trên với độ dày 0,5 - 0,7m, tiếp đó là các lớp bùn pha sét, lớp sét và sét pha cát với độ dày 3 lớp 1,3 - 1,5m. Sà lan sau khi chứa đầy chất nạo vét được di chuyển đến khu vực quy định nhận chìm tại tọa độ 16°11’25.10”N - 108°17’32.78”E vào tối 12/4 ở bên ngoài vịnh Đà Nẵng, cách phao số 0 Đà Nẵng hơn 12km về phía đông.

Theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của tiểu dự án Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang, phương án nhận chìm chất nạo vét sử dụng 3 sà lan với công suất mỗi sà lan 1.495 m3/ngày. Nhận chìm chất nạo vét theo hình thức xả đáy.

Xà lan chở bùn lưu cữu đi nhận chìm.
Xà lan chở bùn lưu cữu đi nhận chìm.

Chất nạo vét sẽ được nhận chìm tại khu vực biển có tọa độ tâm là 16°11'25.75” N và 108°7’20.75”E với diện tích không quá 25ha. Diện tích cụ thể được xem xét khi cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển. Tổng khối lượng chất nạo vét được nhận chìm không quá 381.988m3.

Theo ghi nhận chiều 19/4, khu vực giữa âu thuyền Thọ Quang có 2 tàu ngoạm cỡ lớn cùng nhiều xà lan đang neo đậu.

“Có nguy cơ ô nhiễm là dừng ngay”

Quá trình nạo vét và nhận chìm hàng trăm nghìn m3 bùn đất ở âu thuyền Thọ Quang rõ ràng được cơ quan chức năng bàn thảo rất kỹ trước khi quyết định đưa ra phương án. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng trong quá trình thực hiện dự án sẽ tác động xấu đến môi trường, nhất là khu vực nhận chìm là vịnh Đà Nẵng.

Quá trình nạo vét và nhận chìm hàng trăm nghìn khối bùn lưu cữu ở âu thuyền Thọ Quang gây nhiều quan ngại về tác động đến môi trường. 
Quá trình nạo vét và nhận chìm hàng trăm nghìn khối bùn lưu cữu ở âu thuyền Thọ Quang gây nhiều quan ngại về tác động đến môi trường. 

Về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết: “Khi tiếp cạnh dự án này, chúng tôi đặc biệt thận trọng trong việc phê duyệt 2 quy trình gồm: Đánh giá tác động môi trường trong quá trình nạo vét và Lựa chọn vị trí phù hợp để nhận chìm khối lượng vật chất nạo vét. Bởi không đơn giản khi hút lên lớp bùn đất lắng đọng rất nhiều năm mang đi nhận chìm”.

Theo ông Tô Văn Hùng, Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn đã phải làm rất nhiều quy trình trước khi đưa ra quyết định. Đơn cử, nên áp dụng phương pháp nạo vét như thế nào? Ở đây là sử dụng quy trình hút bùn. Xà lan vận chuyển bùn đến vị trí nhận chìm phải gắn hệ thống định vị để có quá trình theo dõi. Trong quá trình làm phải có hệ thống lưới vây để tránh bùn lây lan ra các nơi khác.

Về chọn vị trí nhận chìm, khi lập kế hoạch, đơn vị tư vấn lựa chọn vị trí phải dùng rất nhiều mô hình để tính toán đến khả năng lan truyền của bùn khi nhận chìm xuống. “Làm thế nào để việc nhận chìm không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái vùng biển là vấn đề hết sức quan trọng. Vịnh Đà Nẵng là vị trí hết sức nhạy cảm nên về phía cơ quan tham mưu, Sở TN&MT chúng tôi rất tự tin với những gì quyết định” - ông Tô Văn Hùng nói.

Đặc biệt, ông Tô Văn Hùng cho biết thêm, trong suốt quá trình triển khai dự án này, TP Đà Nẵng thành lập một tổ giám sát. “Với những phương án đã đưa ra rồi nhưng trong quá trình thực hiện nếu vẫn xảy ra nguy cơ ô nhiễm thì phải dừng ngay để tiếp tục tìm phương pháp mới phù hợp hơn” - ông Tô Văn Hùng thông tin thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần