Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để phát triển bền vững
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh khẳng định, “Việc triển khai chuyên đề này nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc không ngừng bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân thành phố”.
Nội dung chuyên đề nhấn mạnh rằng tiến bộ, công bằng xã hội là mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội mang giá trị nhân văn sâu sắc, là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng tiến bộ dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý dân tộc. Đây chính là kim chỉ nam cho hoạt động cách mạng của toàn Đảng và Nhân dân ta trong công cuộc xây dựng xã hội mới - công bằng, dân chủ, văn minh.
Nhằm đưa chuyên đề năm 2025 vào thực tiễn, Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các cấp ủy Đảng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập, đồng thời phát hiện, biểu dương các điển hình tiêu biểu trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt, các chi bộ, đảng bộ phải tiên phong đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, gắn nội dung chuyên đề với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
Các cấp ủy cũng chủ động chọn những vấn đề còn tồn tại, hạn chế liên quan đến chuyên đề năm 2025 để tập trung giải quyết. Việc này gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các chương trình phát triển trọng tâm khác của thành phố.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tiên phong, trách nhiệm
Cùng với việc triển khai học tập chuyên đề, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng. Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về cải cách hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Sau khi nghiên cứu chuyên đề năm 2025, mỗi cán bộ, đảng viên cần liên hệ thực tiễn, bổ sung nội dung cam kết thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Việc này không chỉ giúp nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân mà còn góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Kiên trì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”
Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn đa chiều, bảo đảm 100% người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Chính sách an sinh xã hội của thành phố không chỉ đảm bảo công bằng về cơ hội mà còn nâng cao chất lượng sống cho mọi tầng lớp Nhân dân.
Từ năm 2015, Đà Nẵng đã xóa hết hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, về đích sớm hơn 02 năm so với kế hoạch. Thành phố liên tục nâng chuẩn hộ nghèo cao hơn mức chung của cả nước và triển khai nhiều chính sách đặc thù như: hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo với mức 80 triệu đồng/nhà (trước đây 50 triệu đồng); hỗ trợ sửa chữa nhà ở tối đa 30 triệu đồng/nhà (trước đây 20 triệu đồng); miễn học phí cho học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập (trừ trường có vốn đầu tư nước ngoài) trong 4 năm liên tiếp; trích hơn 408 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho năm học 2023-2024.
Ngoài ra, thành phố còn đẩy mạnh thực hiện các chương trình giảm nghèo đa chiều, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Những chính sách này tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng trong việc xây dựng một thành phố văn minh, đáng sống, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Với những định hướng chiến lược và các giải pháp cụ thể, Đà Nẵng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.