Khó thu hồi khu đất 29ha dự án Đa Phước
Sáng 30/6, Đoàn đại biểu Quốc TP Đà Nẵng có buổi tiếp xúc với cử tri 5 quận của TP. Tại buổi tiếp xúc, bên cạnh gói hỗ trợ Covid-19, cử tri Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đặt câu hỏi về những vấn đề của TP như: Vụ án 20 cán bộ, lãnh đạo TP bị xét xử liên quan đến sai phạm của Vũ “nhôm”; việc lấy lại sân Chi Lăng...
Cử tri Nguyễn Trí Tổng (quận Hải Châu) nêu câu hỏi: Tại sao vụ án xảy ra tại Đà Nẵng nhưng lại giao cho TAND TP Hà Nội xét xử, liệu có hợp lý không? TAND TP Hà Nội và sau đó TAND Cấp cao tuyên án, giao cho UBND TP Đà Nẵng thi hành bản án này liệu có đúng không?
Ngoài ra, cử tri Tổng còn thắc mắc: UBND TP Đà Nẵng lấy tiền ở đâu để thi hành án khi thu hồi khu đất 29ha thuộc khu Dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước? Những người mua nhà, đất tại 3 dự án liên quan đến Vũ “Nhôm” là Khu Phú Gia Compound, 29ha Khu Đô thị quốc tế mới Đa Phước và Dự án Khu dân cư An Cư 2 mở rộng, An Cư 3 mở rộng (thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà có tổng diện tích hơn 13.000m2) sẽ được bảo vệ quyền lợi như thế nào khi UBND TP Đà Nẵng thu hồi đất để thi hành án theo bản án đã tuyên?
Trả lời ý kiến cử tri, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng cho biết, hiện TP đang rất vướng trong việc thi hành bản án này.“Vụ án Đa Phước, Đà Nẵng đang vướng rất nhiều kết luận của thanh tra, kết luận của tòa án và nếu cứ như thế này thì chưa biết đến bao giờ mới dừng. Càng để dài, càng để lâu thì càng khó làm, khó giải quyết. Tuy nhiên, dù sai lầm của nhiệm kỳ nào đi nữa thì đây vẫn là nhiệm vụ của nhiệm kỳ này phải giải quyết, phải làm”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa chia sẻ thêm, dự án Đa Phước bán rồi mà bảo thu hồi là rất khó thực thi. Hiện nay, Đà Nẵng suốt ngày phải tiếp công dân đã mua đất tại dự án này và đến giờ đang rất lúng túng trong việc xử lý.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định: “Dù sai lầm của nhiệm kỳ nào đi chăng nữa thì nhiệm kỳ này luôn xác định là nhiệm vụ của mình. Một quyết định sai, nóng vội giải quyết nhiều khi đến 15-20 năm chưa xong, loay hoay mãi trong đó”.
Trước đó, ngày 12/5/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 20 bị cáo, tổ chức trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản xảy ra ở Đà Nẵng. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định trong thời kỳ làm Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bị cáo Văn Hữu Chiến giúp sức bị cáo Trần Văn Minh trong việc ký, ban hành các văn bản trái pháp luật. Sau này ở giai đoạn là chủ tịch TP Đà Nẵng, bị cáo tiếp tục ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc bán nhà đất công sản trái quy định.Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến bị tuyên 10 năm tù (giảm 2 năm tù so với bản án sơ thẩm). Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Minh - cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bị tuyên phạt 17 năm tù.
Vẫn còn cơ hội lấy lại sân Chi Lăng
Một số cử tri đặt câu hỏi về tiến độ lấy lại sân Chi Lăng như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Trương Quang Nghĩa cho biết Đà Nẵng vẫn còn cơ hội lấy lại sân Chi Lăng.
Đà Nẵng với nguyện vọng của người dân là lấy lại cho được sân Chi Lăng, vì nó là chứng tích lịch sử. Tuy nhiên theo ông Nghĩa, cần phân định rõ tư cách của Đà Nẵng đối với sân Chi Lăng hiện nay là gì?
“Đà Nẵng còn cơ hội lấy lại được sân Chi Lăng. Bởi, sân Chi Lăng giao cho doanh nghiệp tổng thể diện tích, đến giờ họ giải phóng mặt bằng chưa xong, quy hoạch chưa có, cơ sở đâu có 14 sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng sổ?”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho biết thêm, phương án hoàn tiền trả lãi suất để lấy lại sân Chi Lăng thì phải được người dân đồng ý. Sân Chi Lăng có ý nghĩa vô cùng lớn với người dân TP Đà Nẵng.