Đà Nẵng - khơi nguồn lực để bứt phá

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đà Nẵng nắm vai trò của một đô thị hạt nhân trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đà Nẵng luôn nỗ lực để khẳng định vị thế của mình.

Khẳng định vị trí hạt nhân

Đà Nẵng nắm vị trí chiến lược với mặt tiền biển rộng lớn và núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ che chắn sau lưng. Cũng vì thế, Đà Nẵng được Đảng, Nhà nước trao cho những cơ chế đột phá để phát triển lâu dài, bền vững. Đơn cử như Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Từ đó, Đà Nẵng vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, đô thị; đồng thời khẳng định vai trò đầu tàu của miền Trung - Tây Nguyên.

Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Quang Hải
Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Quang Hải

Trước tình hình mới, năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Đồng thời, phát triển TP Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Để nghị quyết đi vào thực tiễn, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác tham mưu, giúp việc và ban hành 12 chương trình, kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện. Đồng thời Đà Nẵng tập trung xây dựng mô hình, kịch bản tăng trưởng cụ thể cho cả chung TP và từng ngành, lĩnh vực…

Nhờ đó mà dù phải đương đầu với nhiều thách thức trong giai đoạn qua, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Đà Nẵng vẫn giữ được vị thế, vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên.

Minh chứng là năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng ước đạt 14,05%, đứng thứ 3 cả nước; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tính theo giá hiện hành ước đạt 102,6 triệu đồng/người (tương đương hơn 4.300 USD/người), tăng 13,8% so với năm 2021.

Với đà tăng trưởng đó, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022, vượt quy mô của 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19) hơn 13.000 tỷ đồng theo giá hiện hành và hơn 4.000 tỷ đồng theo giá so sánh 2010, tăng 13,5% so với 6 tháng năm 2019.

Đặc biệt, du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đang phục hồi rất mạnh mẽ. Cụ thể, 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Đà Nẵng ước đạt 12.986 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 5.420 tỷ đồng, tăng 70,3%; lĩnh vực ăn uống đạt 7.566 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư

Để giữ vững vai trò đầu tàu, hạt nhân trong chuỗi liên kết vùng, Đà Nẵng chắc chắn không thể tự mãn với những thành tựu đạt được, mà phải nỗ lực phấn đấu không ngừng. Địa phương cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực để thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, từ nay đến cuối năm 2023, địa phương tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng trưởng tốt nhằm bù đắp cho các ngành, lĩnh vực đang có xu hướng giảm sâu bởi tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Đồng thời tổ chức gặp gỡ các DN hoạt động xuất nhập khẩu, các DN có tiềm năng, đóng góp lớn để có giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế TP.

“Đặc biệt, Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật... Đà Nẵng cũng tập trung hoàn chỉnh hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Quy hoạch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” – ông Minh cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư – một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP. Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho rằng, để thu hút đầu tư hiệu quả, TP cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân khu; các sở, ngành rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục quy hoạch, lập phương án và đấu giá đất, chủ động xây dựng phương án đấu giá để sẵn sàng kêu gọi nhà đầu tư.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành T.Ư xây dựng quy trình và tiêu chí đấu thầu đối với các dự án lớn chưa có quy định đấu thầu chuyên ngành như cảng, khu công nghiệp. Song song, rà soát các quy định pháp luật, nghiên cứu tính toán hệ số phần trăm tính giá đất thương mại dịch vụ so với đất ở để giảm áp lực về tiền thuê đất cho DN, hiệu quả kinh doanh khả thi để thu hút đầu tư...

Tại Hội nghị Thành ủy diễn ra ngày 12/7 mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm 2023, các cấp, ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, biện pháp giải ngân vốn đầu tư công; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội TP; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến các đường bay quốc tế mới đến Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh cần tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; Tập trung nghiên cứu và triển khai giải pháp nâng cao các chỉ số sụt giảm so với cùng kỳ...

Có thể thấy, Đà Nẵng luôn thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị thế của mình.

 

Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn TP đến năm 2030. Theo đó công nghiệp CNTT và truyền thông chiếm tối thiểu 10% GRDP của Đà Nẵng vào năm 2025. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP TP; trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP TP. Theo thống kê, doanh thu từ ngành Thông tin & Truyền thông của Đà Nẵng từ năm 2016 đến năm 2022 đã tăng từ 19.913 tỷ đồng lên đến 34.293 tỷ đồng. Trong đó doanh thu công nghiệp CNTT từ 13.034 tỷ đồng lên 20.920 tỷ đồng.