Bảo tồn bản sắc văn hóa, đưa du lịch phát triển bền vững
Kinhtedothi - Được mệnh danh là “thiên đường mây” của khu vực Tây Bắc, xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) những năm gần đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, Tà Xùa là một xã vùng cao thuộc huyện Bắc Yên, nổi bật với cảnh quan núi non hùng vĩ và biển mây bồng bềnh, quyến rũ. Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ nơi đây khiến nhiều người mê đắm và chọn Tà Xùa là điểm dừng chân lý tưởng cho hành trình khám phá Tây Bắc.
Nhằm phát triển du lịch Tà Xùa theo hướng bền vững, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và nhà đầu tư đã tích cực chuyển đổi phương thức hoạt động. Đặc biệt, trọng tâm được đặt vào mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường và bảo vệ cảnh quan tự nhiên, góp phần gìn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của vùng đất này.
Từ một xã vùng cao ít người biết đến, nay cái tên Tà Xùa đã trở nên quen thuộc trên bản đồ du lịch Tây Bắc. Những địa danh như thiên đường mây Tà Xùa, đồi chè bản Bẹ, mỏm cá heo hay thảo nguyên Tà Xùa… đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước nhờ vẻ đẹp ấn tượng và sự lan tỏa mạnh mẽ qua mạng xã hội.
Nhờ tiềm năng sẵn có, mạng xã hội phát triển mạnh và sự hỗ trợ hiệu quả từ các cấp, du lịch Tà Xùa có bước phát triển nhanh chóng. Giai đoạn 2021 - 2024, xã được đầu tư 17 dự án hạ tầng với tổng vốn gần 28 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đưa Tà Xùa trở thành điểm đến hấp dẫn.

Tà Xùa được mệnh danh là một trong những “thiên đường săn mây” đẹp bậc nhất vùng núi phía Bắc
Chỉ riêng xã Tà Xùa hiện có khoảng gần 50 cơ sở lưu trú, trong đó tập trung là các homestay và nhà nghỉ… Các chủ cơ sở hiện đang tích cực áp dụng công nghệ để quảng bá, đồng thời tận dụng tối đa văn hóa dân tộc của địa phương để phát triển. Các hộ kinh doanh đã có nhiều cải thiện, cho du khách thuê trang phục người Mông, đưa vào những món đặc trưng của đồng bào Mông, tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng như dịp Noel, Tết… Đặc biệt, những điểm check-in như những quán cà phê view mây, những khu cắm trại ngày càng nhiều.
Tà Xùa không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh tuyệt diễm mà ở trong mỗi bản làng cũng biết phát huy lợi thế của mình, đó là người dân tộc Mông. Tà Xùa hiện có 4 bản với 574 hộ, trên 3.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Đến nay, bà con người Mông vẫn giữ được nét văn hóa bản địa. Mỗi khi du khách đến thăm, đặc biệt là với du khách nước ngoài, họ thích tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống của bà con người Mông. Tà Xùa đang tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa du lịch phát triển bền vững.
Đến với Tà Xùa, khách du lịch còn được thưởng thức những bộ váy thổ cẩm rực rỡ, những phiên chợ vùng cao đầy màu sắc, những điệu khèn, điệu múa truyền thống luôn tạo ấn tượng cho du khách. Đặc biệt, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tà Xùa chú trọng giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch, trong đó, tập trung vào tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân gìn giữ, phát triển các nét văn hóa như: Kiến trúc nhà truyền thống người Mông; thêu váy áo truyền thống; chế tác khèn, sáo, lu cở; thành lập, duy trì hoạt động các đội văn nghệ bản hát, múa dân tộc Mông, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đánh quay; bảo tồn, phát triển diện tích và các sản phẩm chè Tà Xùa... Nhờ đó, tạo ra những sản phẩm độc đáo, phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân và từng bước đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức của du khách.
Để phát triển du lịch Tà Xùa, ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, huyện đã có nhiều chủ trương phát triển du lịch tại đây như đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển du lịch Tà Xùa của huyện Bắc Yên vào quy hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025. Hình thành các tuyến du lịch sinh thái văn hóa vùng cao; phát triển mô hình du lịch cộng đồng quy mô hộ gia đình. Cải tạo, phục tráng diện tích chè hiện có gắn với bảo vệ diện tích chè cổ thụ; mở rộng diện tích chè Tà Xùa và gắn với du lịch trải nghiệm, giữ gìn, nâng cao thương hiệu chè Tà Xùa. Xây dựng Tà Xùa là trung tâm phát triển du lịch của huyện, là vệ tinh của khu du lịch quốc gia Mộc Châu và khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Theo ông Nguyên, đến hết năm 2024, huyện đã đạt và vượt 6/6 mục tiêu Đề án về phát triển du lịch huyện Bắc Yên giai đoạn 2021-2025 đề ra; các nhiệm vụ, giải pháp của đề án đã được tích cực triển khai. Hoạt động du lịch có bước phát triển nhanh, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và cải thiện đời sống nhân dân...
Hiện nay, đời sống kinh tế của người dân địa phương được cải thiện đáng kể từ nguồn thu từ du lịch. 100% các tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản và hệ thống đường xã, đường liên bản đều được cứng hóa, ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Cả 4 bản đều có nhà văn hóa. Tà Xùa đã hoàn thành 14/19 tiêu chí và 51/57 chỉ tiêu nông thôn mới.
Du lịch Sơn La nói chung và Tà Xùa nói riêng đã và đang trở thành điểm đến của nhiều du khách không chỉ trong và ngoài nước từ việc tạo hình ảnh thân thiện, gần gũi với người dân và du khách… Qua đó, góp phần thúc đẩy vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao.

Tuần hàng nông sản thực phẩm an toàn Sơn La tại Hà Nội 2017: Mong muốn đầu ra ổn định
Kinhtedothi - “Tuần hàng nông sản thực phẩm an toàn Sơn La tại Hà Nội 2017” được tổ chức tại Khách sạn Sơn La, 350 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội từ 12 - 16/1 đã tạo cơ hội cho DN Sơn La đưa đặc sản vùng miền về phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Sơn La: cảnh báo tình trạng giả danh công an yêu cầu cập nhật giấy chứng nhận đăng kiểm trên VNeID
Kinhtedothi – Thời gian qua, nhiều chủ phương tiện, đặc biệt là các tài xế xe tải, xe khách và người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Sơn La đã trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.

Nông nghiệp Sơn La phát triển mạnh theo hướng hiện đại
Kinhtedothi - Tỉnh Sơn La đã xây dựng, hình thành nhiều mô hình, cách làm hay trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nhờ ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp như mô hình mận hậu, nhãn chín sớm, rau an toàn trái vụ…