Tư vấn Singapore đề xuất dịch chuyển đô thị về phía Tây
Tại Hội thảo phản biện Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 8/11, các vấn đề: Đầu tư cảng Liên Chiểu, sân bay Đà Nẵng, nhà cao tầng ở phía Tây, liên kết vùng, không gian bảo tồn văn hóa, quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu… được quan tâm hàng đầu và trao đổi, phản biện.
Đây là hội thảo cuối cùng để Đà Nẵng lựa chọn các phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP trình Chính phủ. |
Đơn vị tư vấn Surbana Jurong (Singapore) nêu ý tưởng trong tương lai nên dịch chuyển đô thị về huyện Hòa Vang (phía Tây TP) để đáp ứng quy mô dẫn số và thực trạng quỹ đất còn ít. Đề xuất này được nhiều chuyên gia, đáng chú ý là các chuyên gia nước ngoài đặc biệt quan tâm, phản biện.
Theo đại diện đơn vị tư vấn Surbana Jurong (Singapore), dự báo đến năm 2030 Đà Nẵng có 1,45 triệu người và tăng lên 1,97 triệu vào 2045. Mật độ dân số quá cao, tập trung vào khu vực dọc bờ biển như hiện nay sẽ không thể tạo môi trường tốt cho người dân Đà Nẵng.
Trong khi đó, quỹ đất dành cho phát triển đô thị chỉ còn 17%, nên Đà Nẵng cần làm đô thị nén cho khu vực trung tâm nhằm tăng không gian công cộng. Tuy nhiên, phải kiểm soát được nhà cao tầng và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng.
Theo đề xuất của tư vấn Singapore, sau năm 2030, Đà Nẵng cần phát triển đô thị mới về phía Tây thuộc huyện Hòa Vang. |
Tư vấn Singapore cho rằng, sau năm 2030, Đà Nẵng cần phát triển đô thị mới về phía Tây thuộc huyện Hòa Vang vốn chưa được phát triển. Theo đó, đô thị mới sẽ có các chung cư, nhà cao tầng tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, dành cho những người mới nhập cư.
TP Đà Nẵng trong tương lai sẽ có 2 vành đai kinh tế gồm phía Nam (nông nghiệp công nghệ cao) và phía Bắc (công nghiệp và công nghệ thông tin). Khi đó, Đà Nẵng sẽ có 1 trung tâm đô thị chính như hiện tại và 1 khu đô thị vệ tinh.
Nên phát triển đô thị nén, tìm giải pháp trong đô thị
Ông Maysho Prashad (Mỹ) - Phó Chủ tịch CllisonRTKL (văn phòng Hồng Kông) cho rằng, đơn vị tư vấn nên so sánh nhiều hơn về mật độ dân số Đà Nẵng với các đô thị lớn trên thế giới, đặc biệt cần so sánh với các TP châu Á để đảm bảo tính quy hoạch cho tương lai.
Theo chuyên gia Maysho Prashad, Đà Nẵng không nên có các tòa nhà quá cao gần khu vực đồi núi, vì có thể gây ra ảnh hưởng môi trường. Nếu Đà Nẵng tương lai hình thành những tòa nhà cao tầng ở khu vực phía Tây, thì nhìn từ phía biển lên núi sẽ là cảnh ô nhiễm và những tòa nhà. Đó là điều có lẽ không ai muốn? Vì thế, đồ án quy hoạch cần xem xét lại khu vực đồi núi.
Vị chuyên gia người Mỹ cũng cho rằng, khi quy hoạch chung phải tính đến cơ cấu dân số, các ngành kinh tế nhỏ lẻ. “Quy hoạch Đà Nẵng trong tương lai thế thì cũng đừng quên các con hẻm nhỏ, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cũng đừng quên những người thợ hàn, những bác bảo vệ…, bởi họ là thành phần kinh tế quan trọng. Đừng quên các khu chợ, những nét truyền thống của TP. Nói đến phát triển công nghệ cao nhưng đừng quên họ!”, ông Maysho Prashad chia sẻ.
Cố vấn cấp cao Matsumura Shigehisa đến từ Nikken Seikei (Nhật Bản) đưa ra đề xuất: “Nếu Đà Nẵng phát triển về phía Nam và Tây thì sẽ phải kiểm soát mạnh mẽ. Vì thế, tôi đề xuất phải tìm ra được cách phát triển trong đô thị”.
Ông Matsumura Shigehisa cho biết, kết quả nghiên cứu hiện có đến 94% người dân TP sử dụng xe máy, 2% sử dụng ô tô và 4% sử dụng xe buýt công cộng. “Phải định hướng giảm số lượng người sử dụng xe máy xuống 50%, sử dụng ô tô là 15% và phương tiện công cộng là 35%. Cần giải pháp quyết liệt, tái cơ cấu giao thông công cộng, kiểm soát được xe ô tô vào lõi đô thị. Có thể phải bắt đầu sớm hệ thống buýt nhanh hoặc xe điện”, vị chuyên gia đến từ Nhật Bản bày tỏ.
Chuyên gia đến từ Pháp Olivier Souquet (Giám đốc Công ty Deso), người có thời gian làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm cho biết, ông ngạc nhiên vì không ai đề cập đến vấn đề phát triển nông nghiệp ở khu vực phía Tây TP. Chuyên gia Pháp hoàn toàn không đồng tình với ý tưởng dịch chuyển đô thị tương lai ra phía Tây vì áp lực dân số.
“Mật độ dân số hiện tại của Đà Nẵng vẫn còn rất thấp. Tôi tin vào việc phát triển một đô thị nén, là đô thị đa dạng, trở thành trung tâm TP Đà Nẵng. Tại sao chúng ta cần phát triển khu vực đồi núi trong khi nó rất nguy hiểm? Tại sao đưa ra đề xuất mật độ dân số cao khu vực này? Dù dân số tăng thì Đà Nẵng không cần phát triển khu vực này. Khu vực này cần duy trì phát triển nông nghiệp", ông Olivier Souquet nêu quan điểm.
Chuyên gia đến từ Pháp Olivier Souquet cho rằng không có lý do gì để Đà Nẵng tạo mật độ dân số cao ở khu vực đồi núi. |
Cũng theo chuyên gia Olivier Souquet, nông nghiệp đô thị đang là vấn đề rất lớn về quy hoạch đô thị trên thế giới. Vì thế, theo ông, không có lý do gì để Đà Nẵng tạo mật độ dân số cao ở khu vực đồi núi. Vùng đồi núi cần phát triển nông nghiệp thay vì phát triển đô thị, phát triển mật độ dân số cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết: “Đây là hội thảo cuối cùng để chính quyền TP Đà Nẵng lựa chọn các phương án trình Chính phủ. Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của TP Đà Nẵng lần này có một tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quyết định cho một giai đoạn phát triển mới, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh, đạt tầm cỡ khu vực theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW”.
Trước đó, Hội thảo đóng góp ý tưởng cho đồ án tổ chức ngày 23/8/2019 thu hút sự tham gia của 140 đại biểu, tiếp nhận hơn 35 ý kiến đóng góp có giá trị.
Dự án "Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được UBND TP Đà Nẵng phối hợp công ty Sakae Corporate Advisory (Singapore) và Surbana Jurong (Singapore) tiến hành lập đồ án từ ngày 1/3/2019. Qua 8 tháng thực hiện, đồ án trải qua 3 giai đoạn: Thu thập số liệu, đánh giá quy hoạch được duyệt, phân tích trạng thái phát triển; Định vị kinh tế - xã hội; Đề xuất ý tưởng. |