Cần chú trọng hơn đến công tác cán bộ
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến góp ý sát thực, cụ thể, chi tiết đối với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XXII của Thành ủy Đà Nẵng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Ông Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ, nhấn mạnh: Văn kiện của Trung ương và Đà Nẵng cần chú trọng hơn đến công tác cán bộ, phải coi đây là công tác then chốt nhất Đảng, của sự nghiệp cách mạng. Xuyên suốt các nhiệm kỳ và nhất là trong tình hình hiện nay, Đảng ta cần tập trung lực chọn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhiệt huyết bố trí cán bộ.
Nguyên Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng Lê Tự Cường nêu ý kiến: Văn kiện của Trung ương cần tập trung hơn vào việc đánh giá thực hiện các Nghị quyết của Đảng. Ví dụ như Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2015 “Về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, sau 5 năm thực hiện, bộ máy nhà nước không giảm và còn đông hơn. Vì vậy văn kiện của Trung ương cần nêu được hạn chế, nguyên nhân vì sao thực hiện Nghị quyết không đạt kết quả như mong muốn.
“Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng cần nêu rõ những giải pháp trong cải cách mạnh mẽ thể chế chính trị, cách thức tổ chức, vận hành của nhà nước để quản lý quyền lực. Từ đó từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng đất nước dựa trên nền tảng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện”, ông Lê Tự Cường nói.
Đà Nẵng cần rút ra bài học về vận dụng cơ chế chính sách
Ông Trần Thọ, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010-2015 đề nghị Thành ủy Đà Nẵng bổ sung thêm phần đánh giá về công tác phát triển đảng viên mới. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác phát triển đảng viên mới giảm đáng kể từng năm và giảm trong cả nhiệm kỳ. Vấn đề này cần được phân tích rõ nguyên nhân, hạn chế, và đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Ông Trần Thọ nhấn mạnh, Đà Nẵng cũng cần rút ra bài học về vận dụng cơ chế chính sách trong nhiệm kỳ qua và các nhiệm trước. Vì hậu quả đang phải gánh chịu là hàng loạt cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng đã phải chịu các hình thức kỷ luật, bị khởi tố, truy tố và kết án tù. Việc phân tích, rút ra bài học để xác định rõ đâu là vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đâu là vượt rào, là vi phạm quy định pháp luật…
Các đại biểu dự hội nghị cũng tham gia góp ý về xây dựng văn hóa và con người Đà Nẵng phù hợp với nếp sống văn minh đô thị. Trong đó, các đại biểu cho rằng Đà Nẵng cần xác định văn hóa là nền tảng để tạo động lực phát triển kinh tế, vì vậy cần tính đến việc tăng ngân sách đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa.
Về phần rút kinh nghiệm của nhiệm kỳ vừa qua, các đại biểu cho rằng, phần đánh giá cần mạnh dạn chỉ rõ những sai phạm, khuyết điểm, hạn chế trong công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ chủ chốt, kể cả cán bộ đứng đầu Đảng bộ, sai phạm trong bố trí cán bộ, trong điều hành, quản lý kinh tế-xã hội… của nhiệm kỳ này để rút kinh nghiệm sâu sắc trong nhiệm kỳ tới.
Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định: Ý kiến đóng góp của các đồng chí lão thành cách mạng, đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của TP Đà Nẵng thể hiện sự quan tâm đặc biệt, có đầu tư chiều sâu, sát thực tế, gợi mở thêm nhiều vấn đề cho lãnh đạo trong việc xây dựng dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XXII và văn kiện Đại hội XIII của Đảng.