Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng lý giải việc dựng hàng rào tại ghềnh đá Nam Ô

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cơ quan chức năng, thời gian qua một số cá nhân đã lợi dụng con đường mở tạm tại vị trí Đồn Biên phòng Hải Vân (cũ), tổ chức hoạt động du lịch tự phát tại khu vực ghềnh đá Nam Ô, dẫn đến nguy cơ mất an toàn về tính mạng và ảnh hưởng đến công tác phòng chống cháy rừng.

Nhiều hoạt động du lịch tự phát
Ghềnh Nam Ô là địa điểm du lịch nằm về phía Tây Bắc của TP Đà Nẵng, thuộc quận Liên Chiểu. Ghềnh Nam Ô và bãi biển Nam Ô đã trở quần thể du lịch hấp dẫn, hiện nay nơi đây vẫn đang giữ được vẻ hoang sơ thích hợp cho các hoạt động du lịch dã ngoại.
 Ghềnh đá Nam Ô vẫn giữ được vẻ hoang sơ tự nhiên. Ảnh: Internet.
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cho biết, trước đây người dân đã lợi dụng con đường mở tạm tại ví trí Đồn Biên phòng Hải Vân (cũ) để tổ chức hoạt động du lịch tự phát và đưa người đi tham quan, cắm trại, đốt lửa, ăn uống, tắm biển tại khu vực ghềnh đá. Việc làm này gây nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm vì ghềnh đá trơn trượt, đồng thời dễ xảy ra cháy rừng.

Xuất phát từ nguyên nhân trên, chính quyền địa phương đã tiến hành nghiêm cấm hoạt động du lịch tự phát, nghiêm cấm tình trạng tự ý thu tiền, đưa người đi tham quan, cắm trại, đốt lửa tại khu vực ghềnh đá và kết hợp với chủ đầu tư của dự án tiến hành dựng hàng rào chắn lối xuống biển tại vị trí Đồn Biên phòng Hải Vân (cũ). Sau khi hàng rào được lập lên, người dân khu vực ven biển Nam Ô đã tụ tập để phản đối việc ngăn lối xuống biển.

Trước vấn đề này Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo UBND quận Liên Chiểu và các lực lượng chức năng dỡ bỏ hàng rào, trả lại lối đi xuống biển cho người dân. Về phía quận Liên Chiểu cũng đã đề nghị UBND TP quy hoạch thêm 2 lối xuống biển tại vị trí di tích dinh Âm Hồn và miếu Bà Liễu Hạnh hiện nay; và phối hợp với chủ đầu tư dự án mở thêm và nâng cấp 12 lối đi xuống ghềnh, trước đây lối đi rộng 1,5m nay được mở rộng thành 4m.
Thu hồi đất xây dựng làng nghề?

Thời gian gần đây, người dân ven biển Nam Ô đang rất quan tâm đến vấn đề dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô có tiếp tục triển khai hay không? Và nếu tiếp tục triển khai thì người dân sẽ chuyển đổi nghề nghiệp hoạt động như thế nào?

Theo ông Đàm Quang Hưng, quận đã đề nghị UBND TP tiến hành thu hồi khu đất khoảng 6.300 m2 dọc đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) để sử dụng vào mục đích quy hoạch, mở rộng nút giao thông, xây dựng cơ sở trưng bày làng nghề nước mắm Nam Ô và các sản phẩm của ngư dân. Tập hợp các hộ tham gia trong làng nghề lấy ý kiến về tổ chức sản xuất tập trung hoặc phân tán theo từng hộ để cho báo cáo UBND TP về hình thức thực hiện.

Đối với các di tích tại khu vực này sẽ được giữ nguyên hiện trạng, không di dời và tiến hành trùng tu, tôn tạo, đảm bảo nguyên vẹn, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa của người dân, phát triển du lịch tâm linh kết hợp với du lịch cộng đồng, sinh thái.

Riêng đối với phần diện tích trên mỏm Hạc – ghềnh đá Nam Ô, sẽ được tôn tạo phục vụ di lịch sinh thái, hạn chế tối đa việc phá rừng nguyên sinh thay đổi hiện trạng. Đối với những người dân có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề sinh kế thì sẽ được tổ chức thành các khu vực dịch vụ mới.

“Tuyến đường bê tông hiện trạng rộng 4m, dài 1,7km giáp ranh giữa dự án của doanh nghiệp và khu dân cư, quận đã đề nghị TP mở rộng thành đường 5,5m có vỉa hè và hệ thống thoát nước để tạo không gian cách ly, hình thành tuyến phố, làm đẹp cảnh quan và tạo cơ hội cho người dân buôn bán, làm dịch vụ và chuyển đổi ngành nghề”. Ông Đàm Quang Hưng nói.