Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng: Nan giải vấn đề ngầm hóa hệ thống cáp điện

Doãn Thành (VPMT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi dự án ngầm hóa hệ thống cáp điện trên phố chuyên doanh Lê Duẩn thành công, kế hoạch ngầm hóa hệ thống cáp điện thêm 6 tuyến đường nội thị của TP Đà Nẵng trong năm 2016 đã không thể thực hiện được do không có vốn đầu tư.

Kế hoạch của UBND TP Đà Nẵng đến năm 2030 cơ bản sẽ ngầm hóa toàn bộ hệ thống cáp điện lực, viễn thông trên toàn thành phố để đảm bảo an toàn cho người dân và tạo mỹ quan đô thị của thành phố du lịch. Tuyến đường đầu tiên được đưa vào thử nghiệm ngầm hóa là phố chuyên doanh Lê Duẩn với tổng mức vốn đầu tư 60 tỷ VNĐ, do Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) làm chủ đầu tư đã hoàn thành tháng 12/2014.
Kế tiếp thành công của dự án này, tháng 5/2015 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định số 3349/UBND-QLĐT, yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và PC Đà Nẵng tiếp tục lập kế hoạch ngầm hóa hệ thống cáp điện trên 6 tuyến tuyến đường trung tâm thành phố, gồm: Hoàng Diệu, Hùng Vương, Lê Lợi, Lý Thái Tổ, Ông Ích Khiêm và Phan Châu Trinh bắt đầu triển khai thực hiện từ đầu năm 2016. Với quy mô đầu tư 13km cáp ngầm trung áp, 14km cáp ngầm hạ áp, 6km cáp điện kế và 44 Trạm biến áp chuyên dụng.

Đến hết quý II/2015, PC Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát và khái toán ngầm hóa hệ thống cáp điện 6 tuyến đường trung tâm thành phố với tổng số tiển đầu tư 242,7 tỷ đồng. Dự kiến số tiền đầu tư này sẽ được lấy từ Quỹ phát triển thành phố và vốn đối ứng của các đơn vị.

Đến tháng 6/2016, khi dự án chưa thể đưa vào triển khai thực hiện, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu PC Đà Nẵng lập lại dự toán chi tiết ngầm hóa từng tuyến đường. Để đánh giá toàn cục về tính khả thi của đề án ngầm hóa hệ thống điện tại 6 tuyến đường trung tâm thành phố, PC Đà Nẵng đã tiến hành phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế tài chính. Theo đó, dự toán chi phí ở thời điểm này đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối quý II/2015, cụ thể ở tuyến Phan Châu Trinh đoạn từ Trưng Nữ Vương đến Lê Duẩn tổng mức đầu tư dự toán lên 99 tỷ đồng, mức dự toán ban đầu là 52,7 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại đã là cuối tháng 12/2016 đề án này vẫn chưa thể triển khai thêm bất cứ một tuyến đường nào.

Ông Võ Hòa - Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết: “Sau khi tiến hành đánh giá, phân tích cho thấy, các chỉ tiêu: Giá trị hiện tại ròng (NPV), Suất thu lợi nội tại (IPR), thời gian hoàn vốn... đều không đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, tài chính. Việc tìm nguồn vay để đầu tư cho dự án không thể thực hiện được, do không có ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào đồng ý tài trợ cho dự án không đảm bảo khả năng thánh toán nợ, không có khả năng thu hồi vốn”.

Từ thực tế ngầm hóa cáp điện tại đường Lê Duẩn đã nảy sinh nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện, đó là khi chuyển đổi vị trí của các Trạm biến áp treo trên cột sẽ dẫn đến tình trạng bị cắt điện cục bộ trong một thời gian, trong khi các tuyến đường này là nơi tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp việc cắt điện liên tục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Hòa cũng cho biết thêm: “Hiện nay trên 6 tuyến đường trung tâm thành phố nằm trong kế hoạch ngầm hóa hệ thống cáp điện đã được PC Đà Nẵng đầu tư nâng cấp tương đối hoàn thiện hệ thống lưới điện trung áp, hạ áp nên hệ thống điện ở đây vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục trong nhiều năm tiếp theo”.

Đà Nẵng được biết đến là một thành phố du lịch biển, hàng năm đón từ 4 - 5 triệu lượt khách, như vậy ngoài việc cung cấp những dịch vụ đảm bảo thì cũng cần phải quan tâm đến mỹ quan đô thị. Việc ngầm hóa hệ thống cáp điện, viễn thông trên địa bàn không chỉ mang lại vẻ mỹ quan đô thị mà còn giúp cho người dân được hưởng lợi từ việc đầu tư này do có không gian kinh doanh thông thoáng, đảm bảo an toàn và thúc đẩy dịch vụ, du lịch của thành phố phát triển.

Có thể khẳng định, ngầm hóa hệ thống điện, viễn thông trên địa bàn TP Đà Nẵng là cần thiết, nhưng cần phải có một lộ trình, có thời gian cân đối vốn và cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền TP Đà Nẵng, để không xảy ra tình trạng đầu tư vội làm cho chất lượng công trình không đảm bảo và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn.