Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng ngập lịch sử: Lượng mưa vượt mức chịu đựng hạ tầng đô thị

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến trận ngập lịch sử ở Đà Nẵng vừa rồi là do lượng mưa quá lớn xảy ra trong thời gian ngắn đã vượt mức chịu đựng của cơ sở hạ tầng đô thị.

Khoan vội quy trách nhiệm cho ai!

Tối 14/10 vừa qua, Đà Nẵng kinh qua trận ngập lịch sử khiến người dân khắp TP không kịp trở tay, đã có những thiệt hại đáng buồn về người. Riêng thiệt hại kinh tế của người dân chắc chắn là quá lớn và chưa thể đong đếm được. Hãy nhìn cảnh hàng trăm ô tô chết máy hư hỏng nằm la liệt trên phố. Xe máy thì vô kể. Hãy nhìn những đống rác ven đường là đồ đạc hư hỏng của người dân, những công trình hư hỏng… thì mọi người sẽ hình dung được phần nào mức độ thiệt hại sau một trận ngập đô thị.

Đà Nẵng khắc phục hậu quả sau mưa ngập. Ảnh Quang Hải
Đà Nẵng khắc phục hậu quả sau mưa ngập. Ảnh Quang Hải

Nói về nguyên nhân xảy ra trận ngập vừa qua, TS. Lê Hùng - giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng: Ngập lụt là do mưa quá lớn (lượng mưa lớn nhất tại Sơn Trà trong 1 giờ là 165mm, trong 2 giờ là 310mm, trong 3 giờ là 417mm, mưa 6 giờ là 573.7mm). Mưa lớn lại xảy ra vào đúng thời điểm triều cường với hạ tầng thoát nước hiện nay nên thoát không kịp. Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 năm Đà Nẵng đã xảy ra trận mưa cực đoan, sau trận mưa năm 2018, cho thấy mức độ ngày càng tăng và tần suất dày hơn.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong đồng quan điểm: Bất lợi của TP trong đợt mưa này là trùng với triều cường lên, nước mưa không thể thoát ra qua đường này. Hệ thống máy bơm hoạt động cũng không xử lý đẩy nước được trong tình huống mưa lớn như vậy.

Cùng nhận định, chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy cho biết, số liệu mưa thực tế từ các trạm đo mưa tại Đà Nẵng cho thấy khoảng thời gian mưa có ý nghĩa gây ra trận ngập lụt kinh hoàng này là từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối (6 tiếng) ngày 14/10, với lượng mưa cao nhất ghi nhận ở trạm Suối Đá, Sơn Trà là 637mm/6hrs.

Năng lực thoát nước ở các đô thị loại I ở Việt Nam nói chung đang ở mức đáp ứng được lượng mưa 70mm/2 giờ, nghĩa là với 6 tiếng có thể đáp ứng được lượng mưa tổng là 210mm. Đó là về mặt lý thuyết. Về mặt thực tế, hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức đó nhiều do các yếu tố về tắc nghẽn cống rãnh, sự vênh nhau về đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước cũ và mới, yếu tố về triều cường…

“Như vậy, trong trường hợp của Đà Nẵng, để đáp ứng thoát được lượng nước mưa liên tục trong 6 tiếng cần hạ tầng thoát nước gấp 3 lần hạ tầng hiện tại. Để có được hệ thống hạ tầng gấp 3 lần hiện tại nghĩa là năng lực thoát nước của hệ thống phải giải quyết được lượng mưa 100mm/giờ. Đó là con số phi thực tế mà không một đô thị nào trên thế giới hướng đến bởi vì rất tốn tiền. Với các đô thị của Việt Nam lại càng khó làm vì đòi hỏi nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, thay toàn bộ hệ thống thoát nước cũ, đào hết đường lên để xây lắp cống mới...” - chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Huy, khi thiết kế hệ thống thoát nước cho đô thị, các chuyên gia thường dựa vào lịch sử mưa lũ tại địa phương và tần suất mưa với các kịch bản mưa lũ lặp lại một lần trong 20 năm, 50 năm và 100 năm, có nơi dựa vào kịch bản 500 năm xuất hiện 1 lần. Đối với mưa 600mm/6 giờ liên tục thì nó thuộc tần suất 500 năm mới xuất hiện 1 lần. Như vậy, tần suất mưa cực đoan này chưa hề có trong kịch bản thoát lũ của Đà Nẵng nói riêng và hầu hết các đô thị của Việt Nam nói chung.

Từ những phân tích trên, chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy cho rằng, chúng ta khoan vội quy trách nhiệm cho ai vì với trận lụt lịch sử này rất cần thảo luận với nhau bằng các con số khoa học ở các hội nghị chuyên đề và sau đó nên được truyền thông rộng rãi.

Hầm chui Điện Biên Phủ ở Đà Nẵng nước ngập sau trận mưa vừa qua. Ảnh Quang Hải
Hầm chui Điện Biên Phủ ở Đà Nẵng nước ngập sau trận mưa vừa qua. Ảnh Quang Hải

Quy hoạch đô thị không thể “đứng ngoài cuộc”

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong nhìn nhận, khi đô thị ngập úng thì nguyên nhân đầu tiên nhiều người sẽ nghĩ đến là do thiết kế đô thị. Dĩ nhiên, quy hoạch đô thị là một trong những yếu tố phải xét đến trong việc chịu trách nhiệm về thoát nước khu đô thị. Tuy nhiên thực tế sau đêm mưa lớn, đến sáng 15/10 nước gần như đã rút hết, chỉ còn một số khu rốn lũ chưa khớp nối hạ tầng thoát nước. Các khu đô thị mới chỉ ngập tối đa 30cm và rút rất nhanh.

“Quy hoạch đô thị có trách nhiệm, nhưng không thể dành diện tích cho các mương, hồ chứa hay mở rộng lòng cống đáp ứng lượng mưa 700 - 800mm, vì như thế phải bỏ ra số tiền rất lớn và không còn đất cho xây dựng các hạ tầng cũng như các không gian khác” - ông Phong cho hay.

Để ứng phó với những đợt mưa cực đoan như vừa qua, theo ông Phùng Phú Phong, ngoài xây dựng hệ thống cảnh báo, hạ tầng xây dựng, quy hoạch đô thị liên quan đến nhiều ngành, thì người dân cũng phải tăng cường khả năng thích nghi, thích ứng với mưa ngập. Đây cũng là bài học để làm những khu đô thị mới ở Đà Nẵng.

Ông Phùng Phú Phong đề xuất sử dụng thêm hồ điều tiết ở sân bay Đà Nẵng. Bởi hiện diện tích sân bay khoảng 1.000ha, nước mưa từ đây đổ tràn về trung tâm TP theo 4 hướng nên cần hồ ngăn bớt nước. Bên cạnh đó, những khu vực thấp trũng được xác định từ trước thì khi mưa lớn cần điều ngay lực lượng quân đội đến di dân.

Trong khi đó, theo TS. Lê Hùng, Đà Nẵng cần xem xét đánh giá kỹ các công trình thoát nước hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng mới; đánh giá lại các hiện trạng và quy hoạch, thoát nước, thoát lũ của TP. “Ngoài việc xác định số điểm ngập sau mỗi lần mưa cần đánh giá mức độ ngập và khả năng chịu đựng tối đa bao nhiêu mm. Để tăng khả năng thoát thì cần đầu tư thêm các công trình xây dựng nào. Ngoài ra, cần có cơ chế tuyển dụng người giỏi có năng lực chuyên môn để tham gia vào nhiệm vụ phòng chống thiên tai” - ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, TS. Lê Hùng đề xuất, các thông tin cảnh báo thiên tai như mưa, lũ và các vị trí nguy cơ cần được cập nhập liên tục trên trang web phòng chống thiên tai chính thống của TP Đà Nẵng, hoặc cổng thông tin điện tử để người dân có thể dễ dàng truy cập.

Như vậy có thể nhận định, nguyên nhân Đà Nẵng ngập lịch sử là do lượng mưa quá lớn xảy ra trong thời gian ngắn đã vượt quá sức chịu đựng của hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, khi đô thị ngập úng thì vấn đề quy hoạch đô thị không thể “đứng ngoài cuộc”. Ứng phó với mưa lớn cực đoan chắc chắn không còn riêng câu chuyện của Đà Nẵng mà là tất cả đô thị ở Việt Nam.

 

Đối với những đợt mưa lịch sử như vừa xảy ra sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh dấu bản đồ ngập lụt toàn TP và tính toán các giải pháp phù hợp.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong