Tốc độ tăng trưởng GRDP dẫn đầu các tỉnh miền Trung
Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng cho biết, một số ngành, lĩnh vực kinh tế từng bước phục hồi và tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của TP trong quý I/2023.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 của Đà Nẵng ước tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11,53%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 4,74% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, GRDP của Đà Nẵng dẫn đầu các tỉnh, TP trong vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung về tốc độ tăng; xếp thứ hai trong khối 5 TP trực thuộc Trung ương.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn 3 tháng đầu năm ước đạt 6.017,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù vậy, hoạt động du lịch tiếp tục có sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể trong quý I, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1.424 nghìn lượt, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 5.206 tỷ đồng, tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 691,1 tỷ đồng, tăng 6,2 lần so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại diễn ra sôi động, nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai. Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I/2023 ước đạt 15.566 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng đầu năm 2023 tăng 8,65% so với cùng kỳ.
Tình hình xuất nhập khẩu duy trì mức tăng trưởng xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2022 do thị trường xuất khẩu không thuận lợi; kim ngạch xuất, nhập ước đạt 661 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động sản xuất công nghiệp quý I/2023 có chiều hướng sụt giảm do giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2023 ước giảm 3,25%.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.550,4 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán HĐND TP giao và bằng 76,6% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện quý I/2023 là 5.361 tỷ đồng, bằng 26,6% dự toán.
Tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư
Kinh tế của TP Đà Nẵng tuy có phát triển nhưng còn nhiều khó khăn, đà phục hồi từ cuối năm 2021 đến nay đang có xu hướng chững lại; sản xuất công nghiệp sụt giảm, thị trường xuất khẩu không thuận lợi; số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giảm so với cùng kỳ, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 vẫn còn một số vướng mắc. Tình hình triển khai thủ tục đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới còn chậm; cơ sở dữ liệu về đất đai còn bất cập. Một số lĩnh vực tiến độ thu ngân sách giảm so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tội phạm về kinh tế, trật tự xã hội có dấu hiệu gia tăng, nổi lên một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, trong thời gian đến, TP cần tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể theo ông Quảng, cần tập trung triển khai các giải pháp về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, khắc phục một số hạn chế về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; tiếp tục rà soát những dự án đảm bảo đủ điều kiện để hoàn thành phân bổ nguồn vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2023. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI.
Ông Quảng cũng chỉ đạo các cấp, ngành tập trung hoàn thành những đồ án quy hoạch phân khu còn lại theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo tiến độ, hiệu quả, chất lượng; hoàn thành việc rà soát, xác định ranh giới 3 loại rừng và Kế hoạch sử dụng đất TP giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; rà soát, chuẩn bị tổ chức chu đáo Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn trong quý II/2023.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh thêm, phải đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân khó khăn, các đối tượng yếu thế; chú trọng công tác giải quyết việc làm; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế, thuốc.