Đà Nẵng tiếp nhận 90 bản đồ quốc tế khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 23/11, UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận 90 bản đồ và 5 tập sách, tạp chí do ông Trần Thắng, một Việt kiều tại Mỹ gửi về.

Các bản đồ này được xuất bản tại Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước châu Âu từ năm 1626 đến 1975, đặc biệt có cuốn sách Trung Hoa bưu chính dư đồ (tập bản đồ bưu chính Trung Quốc do Bộ Giao Thông, Cộng Hòa Trung Hoa xuất bản xuất bản tại Nam Kinh năm 1933) được UBND huyện đảo Hoàng Sa nhờ ông Thắng đặt mua tại Mỹ với giá hơn 3.000 USD.

Đà Nẵng tiếp nhận 90 bản đồ quốc tế khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam - Ảnh 1

Cuốn Trung Hoa Bưu chính dư đồ với 32 bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa.

Mới nhất là những bản đồ về dầu mỏ và khoáng sản của Trung Quốc trong cuốn sách The People's Republic of China in năm 1949 được Mỹ in lại, xuất bản năm 1975 cũng cho thấy biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng, số lượng bản đồ này có thể chia thành hai nhóm chính đó là các bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa và nhóm bản đồ Việt Nam hoặc bản đồ khu vực châu Á trong đó thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam.

Tại buổi tiếp nhận, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, khẳng định đây là những tư liệu lịch sử  quý báu giúp Việt Nam đấu tranh khẳng định chủ  quyền đối với Hoàng Sa, khẳng định Hoàng Sa là  đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng.

Ông Ngữ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến của ông Trần Thắng, đồng thời ghi nhận và sẽ có thư cảm ơn 11 người Việt Nam trong và ngoài nước đã tự nguyện đóng góp 12.000 USD cùng với ngân sách thành phố sưu tầm, mua và chuyển về Việt Nam số tài liệu này.

Ông Trần Đức Anh Sơn cho hay, hiện nay đã có các đơn vị đăng ký mượn bản scan các bản đồ này để trưng bày cho nhân dân đón xem tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin-Truyền thông, tỉnh Khánh Hòa nhân "Tuần lễ biển" năm 2013, tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.