Đà Nẵng: Xét xử vụ lừa bán 225 lượt căn hộ trên đất quốc phòng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cáo trạng xác định, 3 bị cáo Đinh Tiến Sử, Nguyễn Văn Đạt và Bùi Tiến Dũng đã lừa bán 225 lượt căn hộ cho 163 người, chiếm đoạt hơn 292 tỷ đồng.

Ngày 6/12, tại Đà Nẵng, Tòa án Quân sự Quân khu 5 mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Đinh Tiến Sử (SN 1972, quê Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Đạt (SN 1975, quê Thanh Hóa) và Bùi Tiến Dũng (SN 1979, quê Quảng Nam) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại phiên tòa sáng nay, 2 bị cáo Sử và Dũng có mặt, riêng Đạt có đơn xin xử vắng mặt vì đang điều trị bệnh.
 2 bị cáo Sử và Dũng tại phiên tòa.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự T.Ư, Đinh Tiến Sử là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bạch Việt (gọi tắt là Công ty Bạch Việt, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Đạt là Giám đốc Chi nhánh Bạch Việt tại Nha Trang, Bùi Tiến Dũng phụ trách bộ phận bán hàng bất động sản của Bạch Việt.
Trong quá trình triển khai giao dịch và xây dựng 2 khách sạn Bạch Việt Nha Trang và Bạch Việt Đà Lạt, các bị cáo biết rõ những căn hộ thuộc dự án kinh doanh “nhà ăn, nhà khách và tổ hợp thương mại, nhà hàng, khách sạn, văn phòng” mà Công ty Bạch Việt ký hợp đồng hợp tác với Quân khu 5 và Quân khu 7 được xây dựng trên đất quốc phòng, đang thế chấp tại Ngân hàng MB, không được phép mua bán, chuyển nhượng.
Từ đó, các bị cáo đã đưa ra thông tin gian dối như hứa hẹn trả lợi nhuận cao cho khách hàng, cam kết làm giấy tờ sở hữu căn hộ, cam kết căn hộ du lịch không thuộc diện bị cấm giao dịch; không thông tin các căn hộ đang bị thế chấp tại ngân hàng, chỉ đạo nhân viên ký giả chữ ký luật sư… để tạo lòng tin cho người dân.
Cáo trạng xác định, 3 bị cáo Sử, Đạt và Dũng đã lừa bán 225 lượt căn hộ cho 163 người, chiếm đoạt hơn 292 tỷ đồng.
Trong đó xác định, Đinh Tiến Sử đóng vai trò chủ mưu và chịu trách nhiệm chính, Nguyễn Văn Đạt và Bùi Tiến Dũng là người giúp sức.
Sau khi Viện kiểm sát công bố cáo trạng, bị cáo Sử cho rằng phiên tòa vắng toàn bộ luật sư của bị cáo và một số nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên đề nghị tòa hoãn phiên xử, nếu không bị cáo sẽ giữ quyền im lặng trong thời gian còn lại.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trước thời điểm mở phiên tòa xuất hiện thêm một số bị hại mới nên đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi hội ý, HĐXX thống nhất với quan điểm này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần