Nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng nhu cầu
Sáng ngày 6/8, Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Liên đoàn Lao động Đông Anh đã tổ chức chuyến khảo sát thưc tế khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh do Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội vận hành.
Căn phòng rộng 34m2 là nơi ba mẹ con chị Lý Thị Lựu đang làm việc tại Công ty Ryonan Electric Vietnam đang thuê trọ. Vừa bế con bé 1 tuổi trên tay, chị Lựu chia sẻ: “Lương công nhân của tôi 6 triệu đồng/tháng nhưng mỗi tháng phải trả từ 1- 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà và điện nước; 2 triệu tiền học phí và bán trú cho con gái lớn 10 tuổi, 2,5 triệu cho con nhỏ gửi nhà trẻ trường tư. Chi tiêu nhiều hơn so với thu nhập nên tôi phải vay mượn thêm. Cũng vì kinh tế không thể mua nhà, nên tôi chỉ mong được thuê nhà ở xã hội với giá ưu đãi hơn”.
Tại khu nhà đơn nguyên 3 là Ký túc xá của công nhân Công ty Canon, đoàn khảo sát ghé thăm phòng ở số 215. Phòng có diện tích 20m2 có 6 người ở. Ở đây, mỗi công nhân chỉ phải trả tiền nhà trọ 40.000 đồng/tháng do có sự hỗ trợ của Công ty. Chị Lê Thị Dựng cho hay: “Mỗi tháng tôi đi làm lương 7,5 – 8 triệu đồng/tháng, chi tiêu hết sức tằn tiện thì để ra được khoảng 4 – 5 triệu đồng gửi về quê”.
Ghi nhận ý kiến của nhiều công nhân ở đây cho thấy, mặc dù mức giá thuê thấp hơn so với nhà trọ ở bên ngoài nhưng có khu vực chỗ đường ống thoát nước bị tắc, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em nên rất mong được cải thiện và có khu vui chơi cho trẻ em. Còn ở nơi ký túc xá dành cho công nhân của Công ty TNHH Canon Việt Nam thì khu sinh hoạt tách biệt và không được nấu ăn, không dùng tủ lạnh.
Ký túc xá đóng cửa lúc 23 giờ, ai đi đâu về muộn thì phải đăng ký, nếu không sẽ bị lập biên bản. Đáng chú ý, là những nơi này chưa có khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. “Cả khu chỉ có một phòng karaoke nhưng kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay chưa mở lại. Chúng tôi muốn có khu vui chơi giải trí, nơi tập yoga để cải thiện sức khỏe” – chị Nguyễn Thu Hường đến từ Thái Bình nói.
Các hộ thuê nhà cần sự hỗ trợ vay vốn
Đoàn khảo sát tiếp tục di chuyển đến thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh và ghé thăm khu nhà cho thuê của gia đình ông Lê Xuân Thập. Ông Thập đã đầu tư 3 tỷ đồng để xây dựng khu nhà này theo kiểu chung cư mini, gồm có 4 tầng, với 19 phòng, diện tích mỗi phòng khoảng 20m2, cho các gia đình ở với giá từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/phòng.
Một công nhân đang thuê nhà ở của gia đình ông Thập chia sẻ: “Chúng tôi thuê 1 phòng giá 1,8 triệu đồng và khoảng 100.000 đồng điện nước. Chúng tôi được ông chủ hỗ trợ miễn phí chỗ để xe, điện chiếu sáng bên ngoài, wifi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, công việc ít, thu nhập được 8 - 9 triệu đồng/tháng, nhưng có tháng xuống còn 5 triệu đồng, dù đã được công ty trợ cấp. Mặc dù đã nghĩ đến việc mua nhà ở đây nhưng tình hình công việc ít, thu nhập giảm nên chúng tôi chỉ mong muốn được thuê nhà với giá ưu đãi”.
Cách nhà ông Thập một đoạn là khu nhà cấp 4 lợp tôn lạnh của gia đình chị Cù Thị Thảo. Trước đây, nhà chị Thảo có 14 phòng cấp 4, lợp Fibro xi măng cho thuê với giá 600.000 đồng/phòng. Nhưng do phòng xuống cấp, cách đây 3 năm, cùng với số tiền tích cóp được, gia đình chị Thảo đã vay thêm tiền từ ngân hàng thành 1 tỷ đồng và sửa thành 8 phòng khép kín, mỗi phòng rộng 16 - 20m2, cho thuê với giá 1,7 – 1,8 triệu đồng/phòng. “Khu nhà sửa lại, tôi đã cho thuê 3 năm, đến nay đã thu được một nửa tiền vốn” – chị Thảo cho hay.
Các chủ nhà cho thuê đều mong muốn được xã, huyện, TP tạo điều kiện cho họ được vay tiền ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Những đoạn đường xá hay ngập nước mỗi khi trời mưa thì cần được đầu tư nâng cấp để người dân và công nhân thuê nhà đi lại thuận tiện.
Trả lời Báo Kinh tế & Đô thị về tình hình các hộ dân cho thuê nhà, ông Lê Bá Hồng – Trưởng thôn Bầu, xã Kim Chung cho biết: “Hầu như các hộ trong thôn đều có nhà cho thuê. Để bảo đảm an ninh, an toàn cho những công nhân thuê nhà thì công an khu vực thường xuyên kiểm tra tạm trú, tạm vắng, tuần tra kiểm soát.
Đối với thôn Bầu, chúng tôi cũng cử anh em dân phòng, có các ban ngành, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên cùng với lực lượng công an hằng tuần đi tuần tra, kiểm soát, nhất là các buổi cuối tuần. Hiện nay, chúng tôi đã khảo sát hết các đường xá, từ các đường trục đến các ngõ, các tuyến. Sang đầu năm 2024, thôn Bầu sẽ được đầu tư nâng cấp lại các tuyến đường, hệ thống giao thông, thoát nước”.
Trước thực tế vẫn còn những hộ có phòng trọ xập xệ nhưng vẫn cho thuê, ông Hồng cho hay, đối với những hộ đó, chúng tôi đều khuyến cáo người dân trước đây sử dụng tấm lợp Fibro xi măng thì bây giờ thay bằng tôn lạnh. Đồng thời, những hôm nắng thì buổi chiều bơm nước trên mái để các công nhân về nghỉ ngơi bảo đảm sức khỏe, hôm sau lại lao động cho cơ quan, xí nghiệp.
TP Hà Nội với gần 170.000 công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22.000 chỗ ở cho công nhân (khoảng 13% nhu cầu về nhà ở cho công nhân). Thực tế hiện nay cho thấy, với mức lương trung bình từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng, hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội. Cũng do thiếu quỹ nhà dành cho công nhân, tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn TP công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu lân cận, điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí.