Theo đó, đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công, trong 10 năm gần đây (2007 - 2016), đã có 133.306 tỷ đồng trợ cấp cho người có công (kinh phí trợ cấp hàng tháng khoảng 120.747 tỷ đồng, trợ cấp một lần khoảng 12.600 tỷ đồng). Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát triển sâu rộng từ T.Ư đến địa phương và đã đạt được hiệu quả thiết thực. Chỉ tính riêng từ năm 2007 - 2016, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của T.Ư và địa phương đã vận động được trên 4.165 tỷ đồng. Đã có 133.321 sổ tiết kiệm với tổng kinh phí hơn 4.620 tỷ đồng được trao tặng. Cùng với đó là xây dựng mới và sửa chữa 179.669 nhà tình nghĩa trị giá 4.647 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng. Trong đó, có 7.344 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Đến cuối năm 2016, 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Cùng với việc quy tập được trên 70.500 hài cốt liệt sĩ, đến nay, toàn quốc đã xác nhận trên 2.000 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đồng thời, bổ sung, cấp mới, đổi 35.000 bằng Tổ quốc ghi công, thẩm định trình Thủ tưởng Chính phủ công nhận gần 500 liệt sĩ đợt 27/7/2017...
Để tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ngày 11/7, Bộ sẽ kiến nghị Ban Bí thư 5 nội dung. Khi được Ban Bí thư có ý kiến ủng hộ, Bộ sẽ bổ sung vào việc sửa đổi pháp lệnh bằng nghị định của Chính phủ hoặc xin ý kiến Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết để bổ sung đối tượng và chính sách người có công với cách mạng. Chẳng hạn như giải quyết chế độ cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có công với cách mạng, chính sách cho nạn nhân da cam thế hệ thứ ba.