Phát biểu tại Hội thảo, Đại tá Phạm Quang Vũ, Trưởng phòng Khoa học Quân sự Phòng không – Không quân cho biết, khu vực sân bay Đà Nẵng là một trong những điểm nóng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xử lý triệt để được khoảng 90.000 m3 bùn đất nhiễm dioxin, cô lập an toàn khoảng 50.000 m3 bùn đất ô nhiễm dioxin dưới ngưỡng cần xử lý; bàn giao 18,7 ha đất đã được xử lý và sẽ bàn giao thêm 13,7 ha đất đã được xử lý tại Lễ công bố hoàn thành và bàn giao tiếp vào ngày 7/11, nâng tổng số lên 32,4 ha đất phục vụ mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
|
Dự án đã xử lý triệt để được khoảng 90.000 m3 bùn đất nhiễm dioxin, cô lập an toàn khoảng 50.000 m3 bùn đất ô nhiễm dioxin |
Theo TS.Thân Thành Công, Chánh Văn phòng 701, trong quá trình thực hiện Dự án vẫn còn nhiều thách thức cần được quan tâm, đó là vấn đề phải điều chỉnh quy mô, khối lượng dự án do khảo sát ban đầu chưa kỹ; những thách thức kỹ thuật trong xử lý do những điều kiện khí hậu và môi trường đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó cần nghiên cứu xem xét các công nghệ một cách hệ thống và sử dụng các tiêu chí lựa chọn để đảm bảo triển khai có hiệu quả về kinh tế cho các dự án xử lý dioxin khác ở Việt Nam.
Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (QCPKKQ) cho biết, QCPKKQ là cơ quan được giao quản lý khu vực đất ở sân bay Đà Nẵng, đặc biệt là khu vực đất ô nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Sự kiện là dấu mốc lịch sử đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa phía Việt Nam và phía Hoa Kỳ trong quản lý, vận hành để tổ chức thực hiện Dự án có quy mô rất lớn, rất đặc thù. Do vậy, kết quả của dự án là bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa sắp tới.
“Chúng ta phải cùng với các ban ngành của Việt Nam và các đối tác USAID để quan trắc, định ra được lượng đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa chính xác, cụ thể để không bị bất ngờ với số lượng bị dôi dư. Thứ hai, toàn bộ cán bộ, nhân viên cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình tham gia dự án tẩy rửa, xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng”, Thiếu tướng Bùi Anh Chung nhấn mạnh.
Kết luận tại hội thảo, TS.Thân Thành Công đánh giá, dự án đã đạt mục tiêu đề ra, xử lý thành công đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm cho con người và môi trường xung quanh. Dự án đã mang lại hiệu quả và ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực, cả về sức khỏe cộng đồng, môi trường, kinh tế, xã hội và để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, giám sát, vận hành và ứng dụng công nghệ trong dự án. Những kết quả của dự án thể hiện những cam kết của Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để có một môi trường sống an toàn, không còn ô nhiễm chất độc dioxin sau chiến tranh cho người dân.
Được biết, dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt ngày 01/4/2014, do Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân làm chủ đầu tư phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện Dự án từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 60 tỷ đồng, nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ khoảng 110 triệu USD.