Tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết: Lễ hội Gióng gắn liền với tên tuổi của người con làng Phù Đổng, gắn liền với truyền thuyết về một cậu bé lên ba tuổi vẫn không biết nói, biết cười. Vậy mà khi đất nước bị xâm lăng, bằng sự trợ giúp của dân làng sau bữa cơm thần thánh “Bảy nong cơm, ba nong cà/Uống một hơi nước cạn đà khúc sông” đã vươn vai thành một tráng sỹ cao lớn khác thường, mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, lên ngựa sắt dũng mãnh xông thẳng quân thù.
Ông Lý Duy Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm phát biểu tại lễ khai mạc |
Hội Gióng là bản anh hùng ca bất diệt, biểu tượng cho sức mạnh và nhân cách con người Việt Nam. Với trí tuệ, sức sáng tạo của cả cộng đồng, Hội Gióng đã được Nhân dân gìn giữ, duy trì và thực hành qua hàng năm. Đây là một kịch trường dân gian rộng lớn với các vai diễn, đạo cụ, trang phục, nghi thức đều mang tính biểu tượng nghệ thuật độc đáo và đặc sắc, tích hợp hàng loạt các giá trị văn hóa tiêu biểu, tạo nên sức hấp dẫn và cuốn hút cho người xem. Tiêu biểu cho các vai diễn tại Lễ hội là sự xuất hiện của các “ông Hiệu” và Đoàn Ải Lao.
Trong đó, ông Hiệu Trống đứng bên tả cửa Đền, chỉ huy đoàn quân cánh tả, ông Hiệu đánh 3 hồi trống, lúc đầu thong thả, lúc sau đổ dồn tượng trưng cho hiệu lệnh xuất quân. Ông Hiệu Chiêng đứng bên hữu cửa Đền, chỉ huy đoàn quân cánh hữu, ông Hiệu đánh 3 hồi chiêng, tượng trưng cho việc thu quân, ém quân.
Ông Hiệu Trung Quân giữ một trống khẩu lớn, dùng hiệu lệnh trống tượng trưng cho việc quan trung quân thời xưa điều hành mặt trận (điều khiển Hiệu Cờ, đánh cờ, rước nước, khám đường…).
Ông Hiệu Cờ là nhân vật biểu tượng cho oai linh của Thánh Gióng khi xung trận. Ông Hiệu cầm cờ lệnh bằng lụa đỏ, chiều ngang rộng 35 phân, chiều dài 5 thước, giữa có chữ “Lệnh”, bọc trong túi gấm có thêu rồng (còn gọi là túi Miễu). Khi cầm cờ và múa cờ, ông Hiệu Cờ tượng trưng cho vị chỉ huy trận đánh, mang “mệnh lệnh của Vua ra trận”.
Tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thể thao Văn hóa và Du lịch cho các cá nhân có nhiều đóng góp vào Lễ hội Gióng |
Đoàn Ải Lao, tương truyền đây chính là nhóm trẻ chăn trâu, vốn trước theo Thánh Gióng đánh giặc, sau khi Thánh bay về trời, bọn trẻ thường kéo đến múa hát cho mẹ Gióng nghe. Đến triều Lý Thái Tổ, nhằm tưởng nhớ công lao của Thánh Gióng, triều đình đã điều đội ca múa Ải Lao mang lời ca tiếng hát phục vụ cho hội Gióng và làm lễ tế thần…