Đặc sắc mâm cơm cúng Táo quân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù ngày mai mới là ngày tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời nhưng từ trưa nay (22/12 Âm lịch), nhiều gia đình đã tranh thủ thời gian ngày Chủ nhật để sửa soạn mâm cơm cúng Táo quân được chỉn chu, tươm tất hơn...

Bên cạnh mâm cơm cúng truyền thống với gà, xôi, chè, bát canh, bánh chưng, giò… nhiều bà nội trợ đã kỳ công trong việc trang trí mâm cỗ cúng Táo quân.
Mâm cỗ cúng Tám quân của nhà chị Tô Hưng Giang.
Mâm cỗ cúng Táo quân truyền thống của nhà chị Tô Hưng Giang được đăng tải trên facebook.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, người Việt xưa thường cho rằng: Trong mỗi gia đình đều có Thần Táo Quân trông nom cuộc sống của họ. Theo quan niệm, Thần Táo quân bao gồm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình. Đó là hai Táo ông và một Táo bà.
Táo thần là người biết hết mọi chuyện lớn bé, xấu tốt trong nhà gia chủ vì theo nếp sinh hoạt của người Việt, căn bếp là nơi mà các thành viên trong gia đình quây quần, đoàn tụ sau mỗi ngày làm việc. Căn bếp cũng là nơi mà mọi người sưởi ấm, chuyện trò với nhau. Do đó, thần Táo có thể nghe, chứng kiến tất cả những điều đó. Tất cả mọi chuyện sẽ được báo cáo lên Thiên giới.
Bà nội trợ Hoàng Lệ Hằng chia sẻ mâm cơm cúng ông Công ông Táo
Bà nội trợ Hoàng Lệ Hằng chia sẻ mâm cơm cúng ông Công, ông Táo.
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là thời điểm kết thúc một năm lao động, hoàn tất mọi công việc bận rộn của một năm để tiễn Táo quân lên báo cáo trên Thiên đình. Vì vậy, mỗi gia đình cần phải chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ để tiễn các thần đi. Sau khi tiễn ông Táo, mọi người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, cắm hoa ở những nơi trang trọng.

Người Việt Nam thường làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.
Mâm cơm tiễn Ông Công Ông Táo về trời sớm được chia sẻ trên facebook của Huong Le Thu
Mâm cơm tiễn Ông Công Ông Táo về trời sớm được chia sẻ trên facebook của Huong Le Thu.
Lễ cúng tiễn đưa ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, hoặc sáng sớm ngày 23. Nếu gia chủ vì vướng bận công việc quan trọng thì cũng phải hoàn thành việc thờ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp vì người Việt quan niệm phải kịp giờ để ông Táo lên Thiên đình. Nếu trưa, chiều 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa ông Táo về Trời, e rằng ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ.
Cá chép sống hoặc bằng giấy là đồ lễ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. (Ảnh fb Nguyễn Ngọc Xuân)
Cá chép sống hoặc bằng giấy là đồ lễ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. (Ảnh fb Nguyễn Ngọc Xuân)
Theo tục cổ truyền thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp. Lễ vật cúng Táo quân gồm có: Hai mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà.
FB Hoa Sữa chia sẻ cách đồ xôi, nấu chè cúng Táo quân.
FB Hoa Sữa chia sẻ cách đồ xôi, nấu chè cúng Táo quân.
Ở miền Bắc thường cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" - cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Ở miền Trung, cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
Món xôi gấc đỏ của bà nội trợ trên facebook Nhật Linh.
Món xôi gấc đỏ của bà nội trợ có facebook Nhật Linh.
Ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta có thể làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo quân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần