Những ngày này, trên thị trường, bên cạnh nhóm hàng thiết yếu, nhiều loại đặc sản vùng miền đã được khách hàng đặt mua để sử dụng và làm quà biếu dịp Tết. Chị Lê Hà, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản vùng miền trên phố Nguyễn Thị Thập (quận Cầu Giấy) cho biết, các loại đặc sản như thịt trâu gác bếp, nấm hương rừng Sa Pa, măng khô Tuyên Quang, cá kho làng Vũ Đại, chả mực Quảng Ninh, nem chua Thanh Hóa, tôm chua Huế... đang là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng đặt mua. Cụ thể, măng Tuyên Quang, Sơn La giá bán buôn 200.000 - 230.000 đồng/kg, măng rối có giá 130.000 - 150.000 đồng/kg, nấm hương rừng Hà Giang 450.000 - 500.000 đồng/kg, thịt trâu, bò gác bếp các tình miền núi Tây Bắc 900.000 – 1 triệu đồng/kg, cá kho làng Vũ Đại giá từ 600.000 - 1,5 triệu đồng/nồi 1,5 - 4kg.
Không chỉ xuất hiện tại hệ thống chợ truyền thống, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đã đồng loạt đưa ra thị trường mặt hàng đặc sản các miền, trong đó chú trọng sản phẩm hữu cơ. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, Tết Tân Sửu 2021, tại hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ hội tụ đặc sản 3 miền Bắc - Trung - Nam như: Cá trắm kho làng Vũ Đại, bánh tét Trà Vinh, chả bò Đà Nẵng, măng ngâm mắc mật Lạng Sơn, giò me Nghệ An... “Hệ thống Co.opmart đã chuẩn bị khoảng 1,2 triệu giỏ quà Tết, trong đó chú trọng tới các mặt hàng đặc sản vùng miền như trái cây khô và các hạt dinh dưỡng” - bà Dung thông tin.
Tương tự, tại hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+, các đặc sản vùng miền, vật phẩm địa phương như gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái), măng khô Bắc Kạn, chả mực Hạ Long, tôm chua Huế,… cũng được bày bán. Hệ thống siêu thị Hapro cũng đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền. Phó Tổng Giám đốc Hapro Đỗ Tuệ Tâm cho biết, hiện hệ thống siêu thị Hapro đã đưa ra thị trường bộ sản phẩm đặc sản vùng miền với các tỉnh phía Bắc như miến dong, bún khô, mỳ gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Bắc Giang; cam, thịt trâu bò gác bếp Hà Giang...
Dịch Covid-19 khiến phương thức mua sắm online trở thành sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Trên các sàn giao dịch điện tử như Sendo, Lazada, Tiki cũng đã rao bán đặc sản vùng miền như bưởi Diễn, cam Canh, măng, mộc nhĩ rừng, thịt lợn bản, thịt trâu bò gác bếp...
Hà Nội hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ đặc sảnTheo các chuyên gia bán lẻ, dịch Covid-19 đã khiến DN các tỉnh, thành tiêu thụ hàng hóa, nhất là đặc sản địa phương gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, ngành công thương Hà Nội đã hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm thông qua việc bố trí điểm bán cố định, tổ chức hội chợ đặc sản... phục vụ Tết Nguyên đán.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm khắc phục những khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa do Covid-19 gây ra, đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ hàng hóa và kích cầu tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô, từ 30/1 - 4/2, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu với quy mô 250 gian hàng. Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội giới thiệu tới DN các tỉnh, thành đưa hàng về bán tại 28 điểm kinh doanh cố định do TP Hà Nội bố trí; tổ chức 12 phiên chợ Việt, 300 chuyến hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và người lao động... Những hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho DN tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đúng giá.
Tương tự, từ ngày 27 - 31/1, tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Long Biên, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội cũng tổ chức Hội chợ Đặc sản vùng miền – Happy Tết 2021 với quy mô 120 gian hàng. “Hội chợ sẽ là cơ hội để DN sản xuất đặc sản vùng miền, OCOP các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La… quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, đồng thời góp phần thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa” - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh nêu rõ.
Việc tổ chức hội chợ, điểm bán hàng cố định của ngành công thương Hà Nội đã tạo điều kiện cho DN đưa đặc sản vùng miền tiếp cận người tiêu dùng Thủ đô, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là hoạt động góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kích cầu tiêu dùng.