Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại án buôn lậu xăng ở Đồng Nai: Cáo trạng gần 150 trang

Trương Hiệu - Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ riêng việc thẩm tra lý lịch các bị cáo đã mất hết buổi sáng. Trong buổi chiều, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai mới hoàn tất phần công bố cáo trạng dài gần 150 trang.

Số bị cáo nhiều nhất lịch sử tố tụng tỉnh Đồng Nai

Như tin đã đưa, sáng 25/10, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Buôn lậu”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” đối với Đào Ngọc Viễn (SN 1968, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), Phan Thanh Hữu (SN 1957, Giám đốc Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh), Nguyễn Hữu Tứ (SN 1966, chủ DN kinh doanh xăng dầu Sơn Huỳnh) và đồng phạm.

Cảnh sát áp giải các bị cáo đến tòa.
Cảnh sát áp giải các bị cáo đến tòa.

Đây là vụ án nằm giai đoạn 1 chuyên án 920G, do Công an tỉnh Đồng Nai giữ vai trò chủ công triệt phá.

Vụ án có số bị cáo nhiều nhất trong lịch sử tố tụng tại tỉnh Đồng Nai, với 74 bị cáo ngụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Chỉ riêng phần thẩm tra lý lịch các bị cáo đã hết thời gian buổi sáng của phiên toà. Đến hết buổi chiều cùng ngày, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai mới hoàn tất việc công bố cáo trạng... dài gần 150 trang.

Góp tiền với cán bộ để buôn lậu xăng

Theo cáo trạng, bị cáo Phan Thanh Hữu có mối quen biết từ trước với Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường và Phùng Danh Thoại (nguyên đại tá - Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đã bị Tòa án Quân sự xử tù - PV). 

Khoảng tháng 5/2019, Phan Thanh Hữu cùng Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường và Phùng Danh Thoại gặp nhau thỏa thuận việc góp vốn buôn bán xăng nhập lậu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ với tổng số tiền là 32,4 tỷ đồng. 

Số tiền này được giao cho Phan Thanh Hữu quản lý, trong đó Hữu góp 40% (13,1 tỷ đồng); Đào Ngọc Viễn góp 60% vốn (19,3 tỷ đồng). Trong 60% vốn góp của Viễn, thì Viễn góp 10%, còn lại Thoại, Cường và “Trọng dầu” (hiện chưa rõ nhân thân, lai lịch) góp 50%. Hữu có nhiệm vụ tìm khách hàng để bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ.

Đến cuối năm 2019, Hữu tìm được đầu mối tiêu thụ xăng ở Việt Nam thông qua Nguyễn Hữu Tứ và Trần Thị Thanh Vân. Sau đó, các bên đã thỏa thuận tăng vốn để buôn lậu xăng, phía Hữu góp thêm 8 tỷ đồng; phía Viễn, Cường, Thoại góp thêm 13 tỷ đồng, tổng cộng 53,4 tỷ đồng. 

Đào Ngọc Viễn có trách nhiệm vận chuyển xăng nhập lậu bằng 2 tàu biển (Pacific Ocean trọng tải khoảng 3.000 tấn và tàu Western Sea trọng tải khoảng 5.000 tấn). Hai tàu này đăng ký quốc tịch Panama, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng.

Trong khi đó, Phan Thanh Hữu có trách nhiệm điều động các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 ra vị trí tọa độ được xác định trước để nhận xăng từ tàu Pacific Ocean, Western Sea, rồi vận chuyển vào khu vực “nhà nuôi yến” của Nguyễn Hữu Tứ trên sông Hậu thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long bán cho Tứ và bán cho vợ chồng Trần Thị Thanh Vân, Lê Thanh Tú (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc).

Ngoài ra, Hữu còn sử dụng tàu Nhật Minh 06 neo đậu cố định tại khu vực “nhà nuôi yến” của Tứ để làm kho nổi chứa xăng nhập lậu.

Cáo trạng cũng xác định, từ tháng 3/2020 - 2/2021, các bị cáo Đào Ngọc Viễn, Phan Thanh Hữu cùng đồng phạm vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2,8 nghìn tỷ đồng, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng. 

Trong vụ án này, ngoài nhóm bị cáo Đào Ngọc Viễn, Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ cùng đồng phạm bị cáo buộc tội “buôn lậu”, TAND tỉnh Đồng Nai cũng xét xử đối với hàng chục bị cáo khác ở những nhóm tội danh khác nhau. Dự kiến phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra trong thời gian khoảng 2 tháng.