Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại án kinh tế tại BIDV: Không hưởng lợi cá nhân trong việc gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tiền cho vay?

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/10, phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong đại án kinh tế tại Ngân hàng BIDV tiếp tục với phần tranh luận. Theo đó, tại phiên toà, các luật sư đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ, đánh giá vai trò thứ yếu của một số bị cáo nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình.

Theo đó, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Giáp – cựu Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành, luật sư Huỳnh Phương Nam đã đưa ra những lời khai của một số bị cáo khác để chứng minh trong hoạt động giải ngân 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng, bị cáo Giáp bị áp lực từ ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT BIDV và buộc phải thực hiện mặc dù biết là không đúng với quy định của BIDV. 
 Các luật sự tham gia bào chữa tại phiên toà.
Theo luật sư Nam, các cán bộ của BIDV không dám có ý kiến phản đối, chống lại chỉ đạo đó bởi họ đều là cấp dưới, lệ thuộc về quan hệ công tác với ông Hà. Còn về việc đề xuất phê duyệt phát hành L/C của Công ty Trung Dũng, luật sư này cho rằng, bị cáo Giáp và một số bị cáo khác đã có ý kiến về việc không chấp nhận phát hành L/C theo đề nghị của DN. Tuy nhiên, khi nhận được văn bản có bút phê của ông Hà thì các bị cáo của BIDV Chi nhánh Hà Thành đã buộc phải thực hiện dù đã đều nhận thức được rằng đây là khoản vay mang tính rủi ro cao.
Trong khi đó, bào chữa cho bị cáo Trần Lục Lang - cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV, luật sư cho rằng, việc thẩm định các điều kiện tín dụng và đề xuất cấp tín dụng đối với khoản vay của Công ty Bình Hà thuộc về vai trò nhiệm vụ của Tổ thẩm định chung. Bị cáo Lang không nằm trong danh sách Tổ thẩm định chung, không có bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn hay vai trò nào trong Tổ thẩm định chung, không có trách nhiệm về việc thẩm định, đề xuất cấp tín dụng. Vì vậy, luật sư cho rằng cần loại trừ cho bị cáo Lang các trách nhiệm liên quan gắn với khâu thẩm định cấp tín dụng, đề xuất cho vay đối với khoản vay của Công ty Bình Hà.
Theo luật sư, bị cáo Lang không giữ vai trò là người quyết định cho vay đối với khoản vay của Công ty Bình Hà. Cấp quyết định cho vay đối với khoản vay của công ty này là HĐQT BIDV. Toàn bộ chỉ đạo, quyết định cho vay là do Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà.
Tương tự, một số hành vi mà VKS quy kết đối với bị cáo Đoàn Ánh Sáng - cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV phạm tội, luật sư của bị cáo Sáng đưa ra quan điểm cho rằng, các hành vi đó không có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Luật sư cũng nêu, bị cáo Sáng ký Quyết định thành lập Tổ thẩm định chung trong bối cảnh bị gây sức ép, tâm lý hết sức nặng nề. Về động cơ, mục đích, theo luật sư, bị cáo Sáng không hưởng lợi bất chính, không hưởng lợi cá nhân, chỉ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao...
 Các bị cáo tại phiên toà.
Đối với bị cáo Lê Thị Vân Anh - cựu Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Chi nhánh Hà Tĩnh bị cáo buộc đã tiếp nhận, thẩm định, đề xuất phê duyệt cấp tín dụng, đề xuất giải ngân và ký các báo cáo đề xuất tín dụng của Tổ thẩm định chung với vai trò thành viên. Bị cáo này còn bị cáo buộc đã đề xuất Giám đốc Chi nhánh Hà Tĩnh ký các công văn và tờ trình đề nghị BIDV sửa đổi điều kiện cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà vay với các điều kiện ưu đãi; kiểm tra việc dùng vốn vay nhưng không phát hiện việc các cổ đông của Công ty Bình Hà chiếm dụng vốn vay, dùng trái mục đích, dẫn đến mất vốn.
Tuy nhiên, bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư đã trình bày những khó khăn của bị cáo Vân Anh và mong HĐXX cho thân chủ của mình được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
Theo cáo trạng, mặc dù đã thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV, dư nợ tại các tổ chức tín dụng lớn, có rủi ro nhưng hai bị cáo Ngô Duy Chính và Nguyễn Xuân Giáp cùng một số bị cáo khác vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng.
Toàn bộ các khoản vay, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của DN để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng dẫn đến không có khả năng thanh toán hơn 601 tỷ đồng.