Theo cáo trạng, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng TMCP yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng TMCP về Oceanbank, Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) đặt vấn đề chuyển giao Trustbank lại cho Thắm. Hai bên đã ký hợp đồng ngay sau đó.
Tuy nhiên, sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản Trustbank, phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng lại Trustbank. Thắm đã gặp Phạm Công Danh để đặt vấn đề và Danh đồng ý mua lại Trustbank, sau đó đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.
Giữa tháng 12/2012, Thắm, Danh và bà Phấn bàn bạc và thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Trustbank, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Trustbank của nhóm bà Phấn.
Pháp nhân vay vốn là Công ty TNHH Trung Dung, thực chất do Phạm Công Danh thành lập, đáng chú ý, Danh đã thuê Trần Văn Bình (vốn là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh) giữ chức Tổng Giám đốc...
Tại phiên tòa, khi trả lời HĐXX về quan hệ với Hà Văn Thắm, bị cáo Phạm Công Danh cho biết, đó là quan hệ trong hoạt động tín dụng. Do không được cho phép lập ngân hàng chuyên trong lĩnh vực xây dựng, nên được Thắm giới thiệu cho Ngân hàng Đại Tín. Để được chuyển nhượng ngân hàng này, Danh phải “lót tay” cho Thắm 800 tỷ đồng và Danh đã chuyển trước cho Thắm 500 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền, Thắm mới tiết lộ cho Danh biết ngân hàng này đang do mình tiếp quản.
Sau một thời gian ngắn, Thắm đưa Danh đi gặp bị cáo Hứa Thị Phấn - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ. Thế nhưng, bị cáo Phấn không đồng ý chuyển nhượng ngân hàng vì cho rằng bị cáo Danh không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó không biết vì lý do gì, Phấn lại đồng ý chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín cho Danh. Theo Danh, thời điểm đó, Thắm đã cử người vào tiếp quản ngân hàng; còn việc bị cáo Phấn chuyển giao ngân hàng này cho Thắm hay chưa thì không biết.
Trả lời HĐXX câu hỏi ai là người nghĩ ra việc vay 500 tỷ đồng của Oceanbank, bị cáo Danh cho biết, Ngân hàng Đại Tín thời điểm đó đang gặp khó khăn và cần tiền để cân đối thanh khoản. Vì vậy, Phấn là người nghĩ ra việc bỏ tiền vào Ngân hàng Đại Tín. Bản thân Danh đã bỏ hơn 1.000 tỷ đồng vào ngân hàng này để cấn đối thanh khoản. Khi không còn tài sản, thì Phấn gợi ý việc vay tiền và bị cáo này sẽ cho mượn tài sản để vay.
Về việc vay tổ chức tín dụng nào, bị cáo Phấn nhắc Danh nhớ lại lời hứa của Thắm trong phi vụ chuyển nhượng ngân hàng. “Toàn bộ việc hoàn tất các thủ tục để vay tiền ngân hàng là do bị cáo Phấn thực hiện” – bị cáo Danh nói. Về sử dụng số tiền 500 tỷ đồng vay của Oceanbank, Danh trình bày được chuyển vào 4 - 5 tài khoản của những người trong nhóm Phú Mỹ tại Ngân hàng Đại Tín (nhóm của bị cáo Phấn) và bị cáo không phải là người sử dụng tiền.
Đối với trách nhiệm về khoản vay 500 tỷ đồng, Danh cho rằng, nếu người mượn tiền không có khả năng trả nợ, thì ngân hàng phải xử lý tài sản thế chấp; bản thân Danh không chịu trách nhiệm vì không trực tiếp làm việc đó.
Trong khi đó, trước tòa, bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận, bị cáo từng hứa sẽ hỗ trợ thanh khoản cho Phạm Công Danh nhưng là bằng cách cho vay đúng quy định của pháp luật. Khoản vay Trung Dung xảy ra sau đó rất lâu. Thắm thừa nhận đã cầm 500 tỷ đồng Phạm Công Danh đưa, song Hà Văn Thắm Thắm khẳng định khoản tiền này độc lập với khoản vay 500 tỷ đồng của Trung Dung và đã được Thắm trả lại cho Danh trước khi ông Danh bị bắt. Bị cáo Hà Văn Thám khẳng định trước tòa: “Bị cáo vẫn còn những thư từ trao đổi giữa ông Danh với bị cáo về việc lấy lại khoản tiền này”.
Về khoản vay 500 tỷ đồng đã rót cho Trung Dung, bị cáo Hà Văn Thắm cũng thừa nhận vi phạm quy định về cho vay liên quan đến tài sản thế chấp. Tuy nhiên, Hà Văn Thắm đề nghị được HĐXX “xem xét” về việc bị cáo có nói rõ trước khi giải ngân là khoản vay phải được sử dụng đúng hợp lý và được phong tỏa ở Ngân hàng Xây dựng cho đến khi đủ tài sản đảm bảo mới được sử dụng.
Về tài sản đảm bảo của khoản vay 500 tỷ đồng này, trả lời HĐXX, bị cáo Hà Văn Thắm cho biết đã dựa vào “niềm tin” để cho vay, dù biết giá trị pháp lý chưa đầy đủ. Dù vậy, trách nhiệm trả nợ số tiền này, Hà Văn Thắm cho rằng, số tiền do nhóm bà Phấn sử dụng nên phải chịu trách nhiệm.