Đại án Oceanbank: Luật sư nói thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng không có căn cứ?

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 16/9, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra Oceanbank tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư. Tại tòa, luật sư Hoàng Huy Được chỉ ra nhiều điểm bất cập trong kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cho rằng kết luận các bị cáo gây thiệt hại 1.576 tỉ đồng cho Oceanbank là hoàn toàn không có căn cứ.

Mở đầu phần bào chữa là phần tranh luận của luật sư Hoàng Huy Được bảo vệ các bị cáo là thuộc cấp của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm gồm: Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đối khối nguồn vốn), Nguyễn Văn Đức (nguyên Giám đốc chi nhánh Thanh Hoá), Phan Thị Tú Anh (nguyên Giám đốc chi nhánh Quảng Ngãi), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Giám đốc phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi), Trần Thị Thiên Ngân (nguyên Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng), Lê Quỳnh An (nguyên Giám đốc chi nhánh Vinh) bị kết luận phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
 Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Luật sư Được cho biết các bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái, điều này đặt ra cho các cơ quan tố tụng việc phải xem xét hoàn cảnh khách quan có cố ý làm trái, hậu quả làm trái như thế nào. Phản biện tại tòa, luật sư Được cho rằng cần làm rõ 1.500 tỉ đồng chi lãi ngoài ở Oceanbank có phải hậu quả vụ án không. “Tôi xin mượn lời của Nguyễn Thị Nga (cựu trưởng ban tài chính kế hoạch)– đọc báo cáo tài chính của Oceanbank thì ai cũng biết là chi lãi ngoài. Hễ ai đọc kết luận giám định thì biết là không có thiệt hại”. - Ông Được nói.
Luật sư Được cho rằng, kết luận giám định không hề đề cập số tiền 1.576 tỷ đồng là thiệt hại. Kết luận giám định số 4605 vi phạm nghiêm trọng luật giám định tư pháp. Nhiều nội dung không đủ cơ sở giám định nhưng vẫn được giám định, trong đó còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm liên quan đến vụ án thì còn khách quan, vô tư hay không?. Ông Được cho rằng, bản kết luận giám định không vô tư khách quan. “Đoàn giám định đã vi phạm Điều 31 Luật Giám định quy định người thực hiện giám định phải ghi nhận thời gian, đầy đủ kết quả giám định bằng văn bản. chúng tôi không tìm thấy bút ký hay chương trình, hoặc văn bản nào ghi nhận việc này của Đoàn giám định”. – Luật sư Được nói.
Theo luật sư, Đoàn giám định vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 32 của Luật quy định thời gian, địa điểm hoàn thành việc giám định. Ông Được đưa ra lập luận: “Ông Đỗ Anh Quân đã trình bày việc giám định được thực hiện tại trụ sở cơ quan CSĐT, trụ sở Bộ Công an trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chứ không như trong văn bản ghi là tại Cơ quan thanh tra NHNN (số 45 Lý thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Một kết luận mang tính khoa học đúng đắn nhưng được thực hiện không đúng đắn”… Với những vi phạm của Đoàn giám định theo như quan điểm của luật sư, kết luận các bị cáo gây thiệt hại 1.576 tỉ đồng cho Oceanbank là hoàn toàn không có căn cứ.
 Luật sư Hoàng Huy Được cho rằng kết luận các bị cáo gây thiệt hại 1.576 tỉ đồng cho Oceanbank là hoàn toàn không có căn cứ.

Trong lập luận của mình, luật sư Hoàng Huy Được cho hay, hai đời Thống đốc trước đều ký văn bản về việc cấm huy động vốn vượt trần lãi suất, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. Trên thực tế, hầu hết các tổ chức tín dụng đều huy động bằng lãi ngoài nhưng đều bị xử lý hành chính. Nhưng với Oceanbank hiện tại bây giờ ở đây đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Trong lập luận của mình, bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Hoài Nam – cựu Giám đốc khối nguồn vốn, luật sư Được nêu quan điểm họ không phạm tội Cố ý làm trái. Hành vi của họ chỉ có thể là xử lý hành chính.
Đi vào bào chữa cụ thể cho bị cáo Nguyễn Thị Nga, liên quan khoản tiền 66 tỷ đồng/1576 tỷ đồng, luật sư cho rằng toàn bộ số tiền này đã được hoàn tất. Văn bản quy buộc hành vi sai phạm của bị cáo đều ra đời sau quy trình đi của khoản tiền này.
Về số tiền 109 tỉ đồng mà các thân chủ của luật sư bị cáo buộc đã gây thiệt hại trong con số hơn 1.500 tỉ đồng nhưng hoàn toàn không có chữ ký của bị cáo Nga. Theo cáo trạng, Nga làm theo chỉ đạo của bị cáo Lê Thị Thu Thủy – cựu Phó Tổng giám đốc Oceanbank về việc chuyển tiền chi lãi ngoài cho các chi nhánh, phòng giao dịch để chi cho khách hàng. Nga đã chỉ đạo ban kế hoạch hạch toán chuyển tiền chi lãi ngoài căn cứ vào bảng kê danh sách do khối nguồn vốn, khối bán lẻ ký duyệt, gửi cho ban kế hoạch. Trong thời gian Nga làm trưởng ban đã hoạch toán tổng cộng hơn 175 tỷ đồng để chi lãi ngoài.
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Thùy Dương – bào chữa cho một số bị cáo là cựu giám đốc chi nhánh bị quy kết tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Luật sư Thùy Dương cho rằng, các bị cáo mà luật sư bào chữa chỉ làm theo nghĩa vụ được quy định tại hợp đồng lao động. Họ chỉ là người làm thuê phải tuân theo chỉ đạo của người sử dụng lao động. Họ chi lãi ngoài cũng là để đảm bảo lợi ích cho Oceanbank. Mục đích chi lãi ngoài để tăng cạnh tranh, mang lại lợi nhận cho ngân hàng. Đã có nhiều đợt kiểm tra nội bộ nhưng không có cảnh báo. Họ nghĩ rằng nếu có sai cũng chỉ là xử phạt hành chính. Việc chi trả lãi ngoài của các bị cáo không gây thiệt hại cho Oceanbank.
Từ lập luận của mình, luật sư Dương đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo là thân chủ của mình không phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ xử phạt hành chính.