Kinhtedothi - Phiên tòa xét xử đại án gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dụng Việt Nam (VNCB) ngày (26/8) tiếp tục phần tranh luận của đại diện Viện kiểm sát (VKS) với ý kiến của luật sư và các bị cáo về số tiền 5.490 tỷ đồng (trong đó 5.190 tỷ đồng là số tiền nhóm bà Bích gửi vào và 300 tỷ đồng là số tiền 6 số tiết kiệm của 3 người trong nhóm bà Bích bị VNCB lợi dụng để vay tiền) và việc kiến nghị khởi tố tại tòa đối với nhóm bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ của VNCB) bởi có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trình bày trước tòa, các luật sư đã tranh luận bổ sung luận cứ, bằng chứng và quan điểm để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Cụ thể, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Phạm Công Danh) đã đưa ra các luận cứ: Bản fax chứng từ được cho là chuyển từ Công ty Tân Hiệp Phát đến VNCB bị nhóm bà Bích cho là giả cần được làm rõ; nhiều chứng từ VNCB bổ sung trong quá trình xét xử chưa được làm rõ.
Các luật sư tranh luận lại quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa. Ảnh: Công Tiến |
Cũng theo luật sư Hoài, việc ông Trần Quý Thanh (bố bà Trần Ngọc Bích) nhận tiền của Danh nhưng không có nghĩa vụ trả lời tiền này là tiền gì là không thỏa đáng. Cũng như việc bà Nguyễn Thu Hương - nhân viên kế toán Tập đoàn Thiên Thanh trả tiền lãi ngoài 39 lần cho ông Tuấn và ông Lộc chưa được làm rõ. Ngoài ra, bị cáo Danh trong phiên tòa cũng đã xác nhận, bà Bích không có quan hệ vay mượn gì với mình, mà là bị cáo có quan hệ vay mượn với ông Thanh. Bị cáo Danh một lần nữa đề nghị với Hội đồng xét xử (HĐXX) được gặp và đối chất với ông Thanh để làm rõ vấn đề này. Còn về khoản tiền được cho chi trả lãi ngoài cho bà Bích, bị cáo Danh đề nghị làm rõ nguồn gốc, ý nghĩa số tiền chuyển cho bà Bích thông qua các người đại diện (ông Tuấn và ông Lộc) là tiền gì? Tuy nhiên, HĐXX cho biết, bị cáo Danh không có quyền hỏi hay đối chất với bà Bích, ông Thanh. Bị cáo có bằng chứng hay đề nghị gì thì đề nghị HĐXX sẽ xem xét. Tiếp tục phần tranh luận về số tiền 5.190 tỷ đồng, bị cáo Hoàng Đình Quyết cho rằng, việc chuyển số tiền trên ra khỏi tài khoản của bà Bích là có sự đồng thuận của chủ tài khoản. Bị cáo Quyết đề nghị bà Bích trả lại các chứng từ chuyển tiền cho VNCB. Bên cạnh đó, bị cáo Quyết tiếp tục khai nhận, số tiền trên 108 tỷ đồng mà Danh chuyển trả cho ông Thanh vào ngày 21/6/2013 là tiền lãi vay. Còn vai trò của ông Vũ Anh Tuấn - người đại diện cho bà Bích trong các giao dịch vay vốn với VNCB và nhận tiền lãi ngoài tại Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo Quyết cho biết, ông Tuấn là Trưởng phòng nguồn vốn của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Tranh luận tại tòa, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (đại diện quyền lợi hợp pháp của bà Bích) cho rằng, việc số tiền 5.490 tỷ đồng mà nhóm bà Bích gửi vào ngân hàng VNCB rồi bất ngờ biến mất có thể hiểu đơn giản là việc gửi tiền giống như gửi xe, việc để mất xe đương nhiên là trách nhiệm của người giữ xe… Về phần mình, bà Bích cũng đề nghị VNCB trả lại số tiền 5.190 tỷ đồng đã bị chuyển ra khỏi tài khoản của mình trái phép khi không có ý kiến của mình, không có chữ ký trên các ủy nhiệm chi. Đồng thời, bà Bích cũng khẳng định, mình không đồng phạm với bị cáo Danh. Ngoài ra, bà Bích nêu chính xác việc 14 cá nhân trong nhóm mình vay 5.190 tỷ đồng của VNCB bằng việc cầm cố 118 sổ tiết kiệm chứ không phải 124 sổ tiết kiệm như quan điểm trong phần tranh tụng. Theo quan điểm của VKS, bị cáo Danh đã cố ý làm trái, chuyển trái phép 5.490 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích. Tuy nhiên, VKS đề nghị VNCB được tất toán khoản vay bằng 124 sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích. Đồng thời, đại diện VKS cũng cho rằng, có đủ căn cứ để kiến nghị khởi tố bà Phấn và những người liên quan tại tòa vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua đây có thể thấy, phía VKS vẫn giữ nguyên quan điểm luận tội ở cả 2 nội dung trên. Trước quan điểm của VKS, luật sư đại diện của bà Phấn cho rằng, bà này mới là nạn nhân của Danh trong việc chuyển nhượng lại ngân hàng. Luật sư này cũng khẳng định, Danh đã bỏ 4.600 tỷ đồng là để mua nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng. Tiếp đó, luật sư Phan Trung Hoài cũng tranh luận với VKS và đề nghị HĐXX cần phải xác định rõ, nếu Danh cố ý làm trái gây thiệt hại 5.490 tỷ đồng trong khi lại cho VNCB tất toán 124 sổ tiết kiệm thì thực ra ngân hàng không thiệt hại. Đồng thời, vị luật sư này cũng đặt câu hỏi: Sau khi bà Bích chấm dứt quan hệ vay mượn với Trang “Phố núi” nhưng vẫn nhận tiền từ Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền này là tiền gì? Cũng tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho VNCB đã đưa ra bằng chứng chính là sổ ký nhận chứng từ gồm các ủy nhiệm chi do nhân viên của bà Bích đã nhận. Tại sổ giao nhận chứng từ này, các nhân viên ghi rõ từng số ủy nhiệm chi. Từ đó, vị luật sư đại diện của VNCB cho rằng, bà Bích đã đồng thuận với việc chuyển tiền đi. Theo lập luận của vị luật sư này, sau khi vay 5.490 tỷ đồng và đến hạn tất toán nhưng bà Bích không tất toán mà 3 lần gia hạn khoản vay để không phải trả lãi quá hạn. Việc gia hạn các khoản vay so với số tiền gửi tiết kiệm thì lãi suất chênh lệch rất lớn (một năm lên tới khoảng 400 tỷ đồng). Đây là điểm hết sức vô lý đối với người kinh doanh bởi không ai có tiền mà lại để chịu lãi suất lên đến hàng trăm tỷ như vậy. Từ những lập luận trên, luật sư đề nghị HĐXX cho thu hồi lại khoản tiền mà Danh đã chuyển sang tài khoản của ông Thanh. Bởi, nếu số tiền này được thu hồi thì khi đối trừ các khoản vay, bà Bích sẽ còn nợ VNCB là 5.490 tỷ đồng và đây là số tiền bà Bích phải trả nợ.