Đại án tham nhũng tại Vinashinlines: Tử hình Giang Kim Đạt

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 ngày đưa ra xét xử và nghị án kéo dài, ngày 22/2, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 4 bị cáo trọng vụ tham nhũng hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines).

Giang Kim Đạt xin giảm tội cho bố
Tại phiên tòa trước đó, khi được nói lời sau cùng, Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines cho hay, bị cáo biết Trần Văn Liêm - nguyên Tổng Giám đốc Vinashinlines từ năm 2006. Quá trình làm việc tại Vinashinlines, Đạt không nhận được bất kỳ quyết định bổ nhiệm nào. Vì vậy, theo bị cáo Đạt, việc các cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo lợi dụng chức vụ là không đúng.
Các bị cáo tại phiên tòa
Trong những lời sau cùng của mình, Đạt không chối tội, không kêu oan mà chỉ mong HĐXX xem xét thận trọng và khách quan. Đặc biệt, Đạt xin HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho bố đẻ là bị cáo Giang Văn Hiển. Theo trình bày của Đạt, việc bị cáo gửi tiền vào các tài khoản đứng tên Giang Văn Hiển do ý thức rằng đây là tiền cho bố của mình…

Trong khi đó, đứng trước vành móng ngựa để nói lời sau cùng, bị cáo Liêm vẫn một mực kêu oan và cho rằng lời luận tội của VKS đối với hành vi chủ mưu của mình là oan sai. Theo đó, Liêm đề nghị HĐXX xem xét để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Tương tự, bị cáo Trần Văn Khương cũng xin tòa công tâm khi phán xét và tuyên án. Đồng thời, Khương vẫn cho rằng mình bị oan khi bị quy kết tội tham ô tài sản. Trong khi đó, được nói lời sau cùng, Giang Văn Hiển cảm ơn HĐXX đã lắng nghe bị cáo trình bày. “Cuộc đời của gia đình tôi không bao giờ giáo dục con lấy tiền của nhà nước. Tôi từng giáo dục con không lấy một cây kim, sợi chỉ của Nhân dân” - bị cáo Hiển nói.

Hai án tử hình 

Theo nhận định của HĐXX, trong vụ án này, bị cáo Liêm là người chỉ đạo. Cụ thể, Liêm đã chỉ đạo Đạt đàm phán việc mua tàu. Chữ ký của Liêm là quyết định cuối cùng để thông qua việc mua tàu. Việc mua bán và giá cả thỏa thuận, Đạt đều báo cho Liêm.

Với bị cáo Đạt được HĐXX nhận định giữ vai trò đồng phạm tích cực. Theo đó, Đạt trực tiếp thỏa thuận để hưởng chênh lệch giá cho thuê tàu và tiền hoa hồng mua 3 con tàu. Để nhận số tiền này, Đạt đã bảo bố đẻ của mình là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản tại 4 ngân hàng để nhận tiền từ đối tác nước ngoài.

Đối với Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng của Vinashinlines được tòa xác định giữ vai trò đồng phạm. Cụ thể, bị cáo đã thực hiện chỉ đạo của Liêm về việc bỏ ngoài số sách số tiền hoa hồng được hưởng từ mua 3 tàu. Khương biết rõ số tiền hoa hồng từ việc mua tàu của Vinashinlines nhưng đã không đưa vào quyết toán của công ty.

Đối với Giang Văn Hiển được xác định mở tài khoản ngoại tệ để nhận tiền bất hợp pháp. Theo đó, Hiển đã trực tiếp đứng tên 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng và nhận số tiền hơn 260 tỷ đồng từ các đối tác nước ngoài. Bị cáo nhận thức được mục đích của việc con trai đề nghị mở tài khoản tại các ngân hàng khác nhau là để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng…

Từ những nhận định trên, HĐXX khẳng định, lời khai của bị cáo tại tòa đã thay đổi so với thời điểm tại cơ quan điều tra nhưng không có cơ sở chấp nhận. Đối với bào chữa của các luật sư, tòa khẳng định không có cơ sở.

Vì vậy, HĐXX đã quyết định tuyên phạt hai bị cáo Liêm và Đạt tử hình; bị cáo Khương tù chung thân cùng về tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Hiển nhận mức án 12 năm tù về tội “Rửa tiền”. Đối với số tiền gần 260 tỷ đồng mà các bị cáo đã chiếm hưởng bất chính, HĐXX tuyên thu hồi và trả cho nguyên đơn dân sự là Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).