Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật cổ phần hóa

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, chiều 28/5, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) kiến nghị: Quốc nghiên cứu ban hành Luật về cổ phần hóa. Đây sẽ là khung khổ chính sách để thúc đẩy khu vực DN tư nhân trong nước tham gia được vào quá trình thoái vốn nhà nước trong DN.

Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động DNNN đang ở vị trí “khóa đuôi”
Mở đầu bàn phát biểu, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 cho thấy một thực trạng đáng buồn. Lẽ ra, DNNN phải đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, nhưng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của khu vực này lại đang ở vị trí “khóa đuôi”.
Theo ĐB đoàn Thái Bình: Hệ số ICOR của khu vực DNNN luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác. Ví dụ, năm 2016 các DNNN phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp gần 2 lần so với mức chi trên 5 đồng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cao gấp hơn 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Cũng theo ĐB Vũ Tiến Lộc, mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản tại các DNNN không chỉ ở mức thấp, mà còn có xu hướng giảm liên tục theo thời gian, từ 16,4% và 6,5% năm 2012 xuống còn 10% và 4,6% năm 2016. NSNN cũng đã nhiều năm thất thu với thành phần kinh tế nhà nước, tốc độ tăng thu chỉ đạt mức trung bình 3%/năm trong giai đoạn 2011-2016.
 ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình)
Điểm cần lưu ý được ĐB Vũ Tiến Lộc đề cập tới là: “Xu hướng sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn tại các DNNN nêu trên diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tức là nó diễn ra ngược chiều với xu thế chung”. Theo ông, điều này cho thấy, những yếu kém của khu vực DNNN chủ yếu là vấn đề nội tại của khu vực này, chứ không phải do những tác động từ môi trường bên ngoài.
ĐB Vũ Tiến Lộc chia sẻ thêm: Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp tại các DNNN như: Hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, nên chưa tạo đầy đủ quyền chủ động cho DN; thiếu hệ thống công cụ đánh giá tổng thể về quản trị DN, hiệu quả hoạt động của DN; năng lực, hiệu quả quản lý của người đại diện chủ sở hữu, người điều hành DN còn chưa cao. Rồi, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra vi phạm chưa nghiêm…
Mặc dù đồng tình với những đánh giá, nhận định này, nhưng ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây chưa phải là những nguyên nhân sâu xa nhất. Theo ĐB đoàn Thái Bình, những kết quả yếu kém của khu vực DNNN so với khu vực DN ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI tồn tại trong một thời gian dài và phổ biến không chỉ ở nước ta, mà ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả các nền kinh tế có trình độ quản trị tiên tiến nhất, đã cho thấy nguyên nhân gốc rễ nằm ở vấn đề sở hữu và động lực phát triển của DN.
Bởi vậy, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu tỷ trọng sở hữu nhà nước tại các DN vẫn được duy trì ở mức cao áp đảo thì những nỗ lực cải cách khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của DNNN như: Hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bớt chồng chéo, tăng tính chủ động của DN, xác lập các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động DN, hay tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa và không thể đem lại những kết quả như mong muốn.
Quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa một cách thực chất
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, chủ trương đúng đắn cần được quán triệt xuyên suốt trong quá trình cải cách DNNN để từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế là phải quyết liệt đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các DNNN một cách thực chất và thoái vốn nhà nước ra khỏi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng. “Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước thời gian qua lại diễn ra rất chậm chạp và rất hình thức”, ĐB nói.
ĐN đoàn Thái Bình cho rằng: Trong giai đoạn 2011-2016, cả nước đã cổ phần hoá được 571 DN và bộ phận DN, nhưng chỉ thu về được khoảng 43 nghìn tỷ đồng là quá ít ỏi. Nhiều tổng công ty chỉ bán từ 1% đến 2% vốn điều lệ ra bên ngoài, nên khó có thể gọi đó là cổ phần hóa theo đúng nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. “Lượng vốn nhà nước sở hữu tại các DN đã bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vẫn còn rất lớn, theo Báo cáo kết quả giám sát chiếm tới 81,1% vốn điều lệ, nên một lượng lớn các nguồn lực tài chính đến nay vẫn chưa tìm được người chủ sở hữu có đủ động lực để sử dụng chúng một cách hiệu quả”, ĐB Vũ Tiến Lộc dẫn chứng.
ĐB dẫn chứng từ thực tiễn: “Sự chậm trễ trong tiến trình cổ phần hóa không chỉ do những nguyên nhân mang tính khách quan, như khó khăn trong định giá DN và xử lý nợ tồn đọng, hay do bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế chưa thuận lợi…, mà còn do những yếu tố mang tính chủ quan, như những lo ngại của ban lãnh đạo DN về việc phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, kết quả yếu kém của công ty khi DN khi phải thực hiện kiểm toán và đánh giá lại giá trị để thực hiện cổ phần hóa”.
Điều quan trọng hơn, được ĐB Vũ Tiến Lộc để cập là sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ, ngành, dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp là đúng đắn nhưng hiệu lực thực thi chưa cao. “Chẳng hạn như các quy định về niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với các DN cổ phần hóa - yêu cầu minh bạch được coi là sơ đẳng cho một DN lớn trong nền kinh tế thị trường, dù đã được ban hành rộng rãi nhưng lại không được các DN thực hiện nghiêm túc. Theo báo cáo của Đoàn giám sát, đến tháng 8.2017 có tới 747 DN cổ phần hóa chưa thực hiện nội dung này, nhưng vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ”, ĐB đoàn Thái Bình minh chứng.
Theo ông: “Những sự chậm trễ, thậm chí là những trì hoãn những nỗ lực cải cách như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng cải cách DNNN nói riêng và cải cách nền kinh tế nói chung”.
Do đó, ĐB Vũ Tiến Lộc hy vọng và đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các DNNN một cách quyết liệt như đã và đang thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, cắt bỏ “giấy phép con” và điều kiện kinh doanh thời gian qua. “Nếu được như vậy, tin rằng động lực phát triển tại các DN sẽ được khơi dậy và tạo tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta, ĐB nhấn mạnh.
Cùng với đó, ĐB Vũ Tiến Lộc cũng kiến nghị, Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật về cổ phần hóa. Đây sẽ là khung khổ chính sách để thúc đẩy khu vực DN tư nhân trong nước tham gia được vào quá trình thoái vốn nhà nước trong DN.