Đại biểu HĐND TP đánh giá cao thành quả phòng, chống dịch của Hà Nội

Hồng Thái - Thùy Linh. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp thứ Hai, HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra vào ngày 22-23/9, ngay sau khi kết thúc các đợt giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Bên lề Kỳ họp, các đại biểu đánh giá cao thành quả phòng, chống dịch của TP Hà Nội, trong đó, đảm bảo tốt an sinh xã hội cho người dân.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình:

Người dân tiếp tục là thành tố quan trọng trong “pháo đài chống dịch”

Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của T.Ư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phòng, chống dịch. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt; UBND TP kịp thời ban hành các Chỉ thị, Công điện để thực hiện liên tiếp 4 đợt giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình

Trong thời gian giãn cách đó, TP đã thực hiện xét nghiệm diện rộng, khẩn trương truy vết, bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng. Qua 4 đợt giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, đến nay, TP đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nới lỏng các biện pháp giãn cách từ Chỉ thị 16/CT-TTg xuống Chỉ thị 15/CT-TTg.

Đồng thời, trong đợt giãn cách vừa rồi, TP đã “thần tốc” tổ chức thực hiện đợt chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đến thời điểm này, Hà Nội đã cơ bản bao phủ tiêm mũi 1 cho những người trên 18 tuổi, trong đó nhiều người đã tiêm mũi 2. Đây chính là điều kiện rất tốt để sớm đưa TP trở về trạng thái bình thường mới.

Cũng trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đó, tôi cho rằng TP thực hiện rất tốt các chính sách về an sinh xã hội. Song song những chính sách của T.Ư, TP đã kịp thời ban hành cơ chế chính sách đặc thù là các Nghị quyết 15, 16, 17 của Thường trực HĐND TP và tổ chức triển khai thực hiện rất nhanh chóng. Qua đó, nhiều đối tượng chính sách, người nghèo và cận nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong phòng chống dịch đều được hỗ trợ.

Cùng đó, còn có nguồn lực xã hội hóa mà MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huy động ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn trong dịch bệnh. Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, TP cũng luôn quan tâm chỉ đạo có giải pháp hỗ trợ khu vực sản xuất thực hiện đảm bảo an toàn trong sản xuất; đồng thời đang từng bước nới các điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ Hai, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026

Có thể nói kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội của TP vừa qua rất rõ nét và kịp thời, giúp công tác phòng chống dịch đạt kết quả cao. Với những giải pháp như vậy, thời gian tới TP sẽ vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch ở mức cao vừa đảm bảo tốt an sinh xã hội, đồng thời, tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” là khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH.

Mặc dù vậy, để bảo vệ thành quả trong công tác phòng, chống dịch của TP, theo tôi, những ngày tới người dân Thủ đô cần tiếp tục xác định mình là trung tâm, chủ thể trong công tác này và là thành tố quan trọng trong những “pháo đài chống dịch” - đó là các xã, phường, thị trấn. Từ đó, người dân cần tiếp tục cộng đồng trách nhiệm, đồng hành với TP thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa giải pháp 5K, đồng thời cần giúp đỡ lẫn nhau trong phòng chống dịch để mọi người dân đều có cuộc sống an toàn.

Đại biểu Nguyễn Duy Chính (tổ Hoàng Mai) - Phó Chủ tịch Hanoisme, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành:

Sống chung an toàn với dịch bệnh

Hà Nội đã từng bước mở cửa trở lại, đây là tín hiệu tuyệt vời thể hiện những nỗ lực của chính quyền và người dân trong suốt 2 tháng qua. Đặc biệt, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine của thành phố đã đạt hơn 90%, “vùng xanh” mở rộng, “vùng đỏ” hẹp lại. Tuy nhiên, để đạt được “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa đảm bảo công ăn việc làm và tăng trưởng, đã đến lúc chúng ta cần phải xác định, không thể sống mãi trong phong tỏa.

Đại biểu Nguyễn Duy Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã khẳng định “Chúng ta không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi được vì khó khăn cho Nhân dân và nền kinh tế là rất lớn”. Quả thực thời gian vừa qua là một thử thách lớn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dịch bệnh khiến cộng đồng doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn, giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư các dự án trong khi vẫn phải nỗ lực để chăm lo cho đời sống của cán bộ, công nhân viên…

Chúng tôi mong muốn trong giai đoạn tới, chúng ta bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu, quản lý dịch theo điểm: Không phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà quản lý phòng, chống dịch theo điểm dân cư nhỏ nhất, có nguy cơ cao. Cần để cho doanh nghiệp chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng, chống dịch. Không đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt. Chúng ta cần chấp nhận F0 trong “vùng xanh”, dập dịch theo cách khoanh gọn, không khoanh rộng gây mất nguồn lực.

Trong thời gian tới, dịch Covid-19 chắc chắn vẫn sẽ tồn tại, chúng ta cần xác định sẽ có làn sóng thứ 5 sau làn sóng thứ 4, chúng ta phải học cách sống chung với nó và tìm kiếm sự cân bằng. Với việc tiêm vaccine “thần tốc” và các biện pháp phòng ngừa, chúng ta có thể sống chung an toàn với dịch bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần