Tập trung tháo gỡ khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng
Tại phiên thảo luận tổ, ĐB Lê Ngọc Anh (tổ ĐB huyện Phú Xuyên) cho rằng, tiến độ giải ngân đầu tư công dù cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Với giải pháp quyết liệt của Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng như cam kết của các quận, huyện, ĐB tin tưởng rằng đến cuối năm 2022 cơ bản các quận, huyện đạt được tiến độ giải ngân như cam kết đã đề ra.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (tổ ĐB quận Hà Đông) bày tỏ nhất trí với các nội dung Tờ trình, khẳng định năm 2022 dù có nhiều khó khăn vướng mắc nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội cơ bản, toàn diện. Kinh tế TP tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay, thu ngân sách hoàn thành sớm.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, thu ngân sách giảm, nhất là nguồn thu từ nhà đất. Dự báo năm 2023 tình kinh tế-xã hội ảnh hưởng chung đến thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, sản xuất kinh doanh cũng dự báo nhiều khó khăn - đặc biệt thu từ bất động sản thấp, chưa có giải pháp tháo gỡ. ĐB đề nghị tập trung hơn nữa để có giải pháp cụ thể, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp để đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách TP.
Cùng chung nhận định này, ĐB Nguyễn Xuân Đại (tổ ĐB huyện Hoài Đức) cho rằng, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu về đất giảm. Với định hướng năm 2023, ĐB cơ bản nhất trí nhưng cũng nhấn mạnh: TP đặt mục tiêu tăng trường hơn 7%, trong đó thu từ đất giảm nên năm tới sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu. Vì vậy trong mục tiêu, nhiệm vụ cần nêu rõ nhiệm vụ đầu tư phát triển để đạt tốc độ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, TP cần đẩy nhanh tiến độ dự án, chú trọng tới vấn đề thiếu nguyên vật liệu. "Có những dự án đầy đủ thủ tục, sẵn sàng khởi công nhưng cần khối lượng nguyên vật liệu, tiền đền bù giải phóng mặt bằng rất khổng lồ. Vì thế cần sớm phê duyệt giá nguyên vật liệu; đưa dự án đầu tư công mới và tái đầu tư vào phê duyệt"- ĐB nêu.
ĐB Nguyễn Thanh Nam bày tỏ đồng tình với đánh giá năm 2023 tiếp tục có những khó khăn tiềm ẩn như rủi ro trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt ngành nghề sử dụng nhiều lao động, ngành có lãi suất tăng cao, sử dụng lao động cơ hữu... dẫn đến đảm bảo việc làm khó khăn. Vì thế, trong các chỉ tiêu đánh giá năm 2023 cần quan tâm tỉ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn; phân tích rõ tỉ lệ doanh nghiệp giải thể để có điều chỉnh về chính sách.
Liên quan đến đầu tư công, ĐB Nguyễn Thanh Xuân cho biết, hiện có nhiều vướng mắc và giải pháp nhưng hàng năm tỉ lệ vẫn chưa đạt. Các danh mục công trình đầu tư công trung hạn nhiều nhưng các dự án đủ thủ tục ít, không được bố trí vốn để triển khai. Vì thế cần quan tâm lớn đến công tác chuẩn bị đầu tư, thời gian tới cần có kế hoạch rà soát tổng thể đầu tư trung hạn, có danh mục đầu tư, cụ thể hoá thời gian, lộ trình thực hiện... để có cơ sở thực hiện đạt tiến độ.
Thực hiện cải cách hành chính gắn với phân cấp, uỷ quyền
Theo ĐB Vũ Mạnh Hải (tổ đại biểu huyện Thường Tín), làng nghề đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, thời gian tới TP quan tâm về chính sách đất đai cho phát triển làng nghề. TP có hơn 1.300 làng nghề, nên cần đánh giá, nghiên cứu kỹ, vì diện tích đất nông nghiệp, một số nông dân không sản xuất, lãng phí, thì có thể quy hoạch, để phát triển làng nghề, phát triển du lịch…
ĐB Duy Hoàng Dương đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng viên chức y tế, giáo dục nghỉ việc, bỏ việc; làm rõ thành phần đối tượng, độ tuổi, trình độ, số lượng cụ thể... Cần rà soát, điều chỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới y tế, giáo dục; đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới giáo dục, y tế để phù hợp với phát triển Thủ đô trong tình hình mới; xây dựng cơ chế tự chủ cho hai lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách hành chính cần gắn chặt với Đề án phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính thông suốt từ TP đến xã, phường; công tác kiểm tra cũng phải được tích cực, để tính hiệu quả phát huy. Đối với Dự án đường Vành đai 4, đại biểu Duy Hoàng Dương cho rằng, TP cần dự báo về công tác phát sinh trong giải phóng mặt bằng. Trước mắt, thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý ngay các vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng; có kịch bản cụ thể, xử lý đơn thư, khiếu nại nhằm triển khai cao nhất trong giải phóng mặt bằng cho dự án về đích đúng tiến độ.
ĐB cũng cho biết, thời gian qua UBND TP chỉ đạo nghiêm công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự nhưng nay có trên 48 nghìn cơ sở có tồn tại, hạn chế về phòng cháy chữa cháy đang hoạt động, phải nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quán lý, kiểm tra, kiểm soát-đặc biệt tập huấn cho tổ dân phòng; nhân rộng các mô hình thực hiện tốt phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư.
ĐB Nguyễn Xuân Đại cũng đề nghị cần có giải pháp căn cơ trong thực hiện cải tạo chung cư cũ để đáp ứng yêu cầu. Trong vấn đề nước sạch nông thôn, để đưa tỉ lệ đạt kế hoạch TP phải xem xét bố trí vốn đầu tư công; có chính sách an cư, đầu tư sớm để đưa tỉ lệ này tăng lên.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các ĐB, tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết sẽ cụ thể hoá thành các nội dung để triển khai thực hiện. Làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, về tốc độ tăng trưởng năm 2022 so sánh tổng thể trên địa bàn cả nước thì Hà Nội đã đạt 8,8%, đây là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị. Chỉ trong vòng 10 tháng sau khi mở cửa nền kinh tế đã có cố gắng nỗ lực đạt được lĩnh vực dịch vụ, sản xuất thực hiện tốt, từ đó tạo nguồn thu ngân sách.
Năm 2019-2020 khi xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần 17 đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên năm 2021 thấp; năm 2023 chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khó đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Từ đó phải có tính toán lại chỉ tiêu khi đánh giá giữa nhiệm kỳ.
Thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, TP sẽ phối hợp tổ chức đối thoại, thu hút đầu tư với hơn 300 doanh nghiệp Hàn Quốc. Năm 2023 sẽ tiếp tục tăng cường tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp theo nhóm vấn đề, trên cơ sở đó sẽ tham mưu cho TP tháo gỡ khó khăn.