Còn 149 xã chưa được cấp nước sạch
ĐB Lê Kim Anh (tổ ĐB quận Ba Đình) đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự chỉ đạo, quản lý, điều hành quyết liệt của TP, sự vào cuộc của các sở, ngành và cả hệ thống chính trị, TP đã hoàn thành đạt kế hoạch 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu đạt cao.
Về cấp nước sạch nông thôn, ĐB Lê Kim Anh cho biết, đến nay toàn TP còn 149 xã chưa được cấp nước sạch. Trong khi đây là vấn đề dân sinh, liên quan đến sức khỏe Nhân dân nên TP cần quan tâm có giải pháp quyết liệt cho vấn đề này.
Cùng nêu vấn đề cấp nước sạch nông thôn, ĐB Nguyễn Công Anh (tổ ĐB huyện Thanh Oai) nêu hiện nay các xã trên địa bàn huyện cơ bản chưa có đường ống cấp nước sạch, mặc dù TP đã chỉ đạo thay chủ đầu tư nhưng tình hình chưa có chuyển biến.
“Đây là vấn đề người dân rất mong đợi nên TP có giải pháp quyết liệt để thực hiện chỉ tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn” – ĐB Nguyễn Công Anh nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Nguyên Quân (tổ đại biểu thị xã Sơn Tây) cho rằng phải phân tích, đánh giá sâu hơn về chỉ tiêu nước sạch nông thôn. Theo đó, chỉ tiêu hết năm 2022 dự kiến cấp nước sạch nông thôn đạt 85%, tương ứng tăng thêm 20 xã. Như vậy, toàn TP còn 149 xã chưa được cấp nước sạch, trong đó có 121 xã trước đây TP đã giao cho các nhà đầu tư thực hiện, còn 28 xã chưa có nhà đầu tư cần phải kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
ĐB Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, dự kiến năm 2023 chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn tăng thêm 5%, tức là thêm trên 20 xã là chưa hợp lý, cần xem xét kỹ hơn về chỉ tiêu này. Trong khi nhiều xã đã có nhà đầu tư nhưng chậm triển khai, cần tháo gỡ những vướng về cơ chế, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho rằng đây là vấn đề đã được đề cấp trong rất nhiều kỳ HĐND TP. Tuy nhiên đến năm 2022 thêm 20 xã, dự kiến sang năm thêm 25 xã nữa. Như vậy sẽ còn hơn 100 xã nữa chưa được cấp nước sạch trong những năm cuối nhiệm kỳ. Nếu tỷ lệ xã được cấp nước sạch như vậy chúng tôi thấy vấn chưa tích cực so với sự chỉ đạo của TP. Đây là nguyện vọng của cử tri, tiếng nói của các đại biểu HĐND xã, thị trấn mong mỏi. Vì vậy TP sẽ phải cần phải xem xét, nghiên cứu lại để có phương án nâng tỷ lệ số xã được cấp nước sạch trong thời gian tới.
Quan tâm đầu tư hạ tầng cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao
Đại biểu Nguyễn Trường Sơn (tổ đại biểu huyện Quốc Oai) kiến nghị TP quan tâm đầu tư hạ tầng cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nhất là đối với các huyện còn khó khăn về nguồn lực. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ để đôn đốc triển khai. Xem xét hướng giải quyết về nguồn nhân lực cho cấp huyện, nhất là trong bối cảnh cấp huyện sẽ thực hiện rất nhiều phần việc sau khi TP thực hiện phân cấp, ủy quyền, nếu không có sự chủ động sẽ dẫn đến quá tải…
ĐB Nguyễn Việt Hà (tổ ĐB huyện Gia Lâm) cho rằng Nghị quyết 15 -NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Thủ đô cho thấy, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đô thị và đưa 5 huyện trở thành quận, diện tích phát triển đô thị tăng lên. Đây là nhiệm vụ lớn với nhiều khó khăn, cách hiểu theo từng thời điểm cũng thay đổi. Ở huyện Gia Lâm, khó khăn lớn nhất là đảm bảo 100% diện tích được quy hoạch để phát triển đô thị. Vì vậy ĐB kiến nghị điều chỉnh vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, Sở KH-ĐT quan tâm rà soát các nguồn lực, ưu tiên cho huyện Gia Lâm đầu tư hạ tầng khung, nhất là cho các dự án phát triển giao thông.
Về chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng, ĐB Nguyễn Nguyên Quân cũng đề nghị cần phân tích kỹ. Theo đó đến cuối nhiệm kỳ là 35%, hiện mới đạt 17,5% nên chỉ tiêu còn nhiều thách thức. Cùng với đó, tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, vai trò quản lý của Sở Xây dựng sau khi thực hiện chủ trương đội thanh tra xây dựng trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã cần phải quan tâm và đánh giá kỹ hơn.
Về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, tính đến thời điểm này, toàn TP mới giải ngân đạt 53%, ĐB Lê Anh Quân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (tổ đại biểu huyện Gia Lâm) cho biết, Sở đang làm giải trình để báo cáo UBND TP. Trong đó phân tích, bóc tách kỹ các nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý trong năm 2023.
Theo ĐB Lê Anh Quân, nguyên nhân lớn nhất vẫn là khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm GPMB, bố trí quỹ nhà tái định cư và giá nhà tái định cư, biến động tăng về giá cả vật tư, vật liệu đầu vào.