Lĩnh vực quảng cáo dần đi vào nề nếp
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động cho biết, liên quan đến các câu hỏi về công tác quản lý lĩnh vực quảng cáo tại Hà Nội, rất phấn khởi là Hà Nội là một những tỉnh, TP đầu tên có được hệ thống văn bản về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo tương đối đầy đủ.Ngay sau khi có Luật, Nghị định và Thông tư, TP đã xây dựng quy hoạch, có quy chế quản lý, phân cấp quản lý; Chủ tịch TP có Chỉ thị và cho phép thành lập liên ngành, đồng thời Chủ tịch TP cũng chỉ đạo trực tiếp với những vấn đề sai phạm trong lĩnh vực này… Vì vậy thời gian qua, lĩnh vực quảng cáo dần đi vào nề nếp, phát huy tác dụng và góp phần vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn một số tồn tại hạn chế, chủ yếu là các biển quảng cáo được dựng không đúng quy định về vị trí, kích thước, và nội dung không chính xác, với quá nhiều tiếng nước ngoài ở một số tuyến phố, không đúng quy định. Vì vậy, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, dẫn đến tình trạng dễ chập cháy như các ĐB nêu.
Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động trả lời chất vấn |
Về nguyên nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao cho rằng, Sở nghiêm túc đánh giá do công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên và quyết liệt; do sự phối hợp giữa các ngành chưa tốt. Ví dụ, Thanh tra ngành văn hóa xử lý về nội dung vi phạm, nhưng để dựng được các khung đúng kích thước quy định, phải có giấy phép xây dựng, thì đề nghị Thanh tra Sở Xây dựng phải vào cuộc.
Ngoài sự phối hợp chưa tốt giữa các ngành, thì với chính quyền địa phương, rất mong chính quyền quận huyện, xã phường… phải vào cuộc, vì là người chịu trách nhiệm toàn diện trên địa bàn theo phân cấp của Chủ tịch UBND TP. Ngoài ra, còn do một số DN, hộ kinh doanh cố tình vi phạm, dù đã được hướng dẫn, trao đổi rất kỹ.
"Về trách nhiệm, trước hết Sở VH&TT là cơ quan được giao giúp UBND TP trong quản lý Nhà nước lĩnh vực quản cáo, nên xin nhận trách nhiệm. Thứ hai, trách nhiệm là các cơ quan phối hợp, trước hết là Thanh tra xây dựng cũng cần quyết liệt cùng vào cuộc", Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao bày tỏ.
Chẳng hạn, nhiều biển quảng cáo đã được dỡ rồi nhưng vẫn để lại móng, vật tư vật liệu…; đến khi Chủ tịch UBND TP phải chỉ đạo thì các ngành mới vào cuộc cùng ngành văn hóa. Trách nhiệm nữa đặc biệt thuộc về quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, Chủ tịch UBND quận huyện đã được Chủ tịch UBND TP phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong phạm vi địa phương mình và chịu trách nhiệm trước UBND TP tổ chức quản lý hoạt động quảng cáo rao vặt, biển hiệu.
Về giải pháp, Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động cho biết, Sở sẽ làm đầu mối cùng các cơ quan liên quan chủ trì tổ chức thanh tra quyết liệt và đến cùng hơn các vi phạm về biển quảng cáo. “Về biển quảng cáo một cột, tại nhiều tuyến đường như Pháp Vân, Võ Văn Kiệt…., các biển được xây dựng rất đúng quy định và có phép… Tuy nhiên, hiện, còn 7 biển quảng cáo tại khu vực sân bay, Sở đã làm việc với Sân bay Nội Bài để xử lý dứt điểm. Với các biển quảng cáo vi phạm, chúng tôi không chỉ xử lý DN mà còn xử lý cả nhãn hàng vi phạm. Về cơ bản, DN phối hợp tháo dỡ các biển sai quy định khá tốt”- ông Động cho hay.
Ông Động thông tin, Samsung hiện sai phạm nhiều nhất về biển quảng cáo, Thế giới di động có hơn 110 biển quảng cáo rất to nhưng vừa rồi, Đoàn kiểm tra đã trực tiếp làm việc và xử lý được 90 biển. Điện Máy Xanh, FPT các ngân hàng cũng vi phạm rất nhiều. “Cơ bản, các DN phối hợp tốt tháo gỡ và điều chỉnh các biển quảng cáo vi phạm”- ông Động thông tin.Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm |
Liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy tại các quán Karaoke, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm cho biết, trên địa bàn huyện có một số quán Karaoke phát sinh sai phạm, chưa đủ điều kiện về PCCC. Huyện đã phối hợp với Cảnh sát PCCC rà soát, lập biên bản xử lý. Tuy nhiên vẫn còn một số quán chưa chấp hành, tái phạm hoặc hoạt động chui.
Đặc biệt, ông Lâm còn cho biết hiện có một số quán Karaoke đang xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai cam kết sẽ không để phát sinh vi phạm mới và xử lý các vi phạm cũ trong năm 2018.
Tuy nhiên, với phần trả lời trên của Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc không hài lòng vì cho rằng, PCCC là vấn đề cấp bách mà Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai lại đặt ra lộ trình thực hiện trong năm 2018 là quá dài. Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai phải đưa ra lộ trình cụ thể, dứt khoát phải xử lý xong trong quý 1/2018.Trước yêu cầu trên, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai tiếp thu và cho biết tháng 12/2017 và đầu quý 1/2018, huyện sẽ xử lý toàn bộ các trường hợp vi phạm; năm 2018, không để phát sinh trường hợp vi phạm mới.
Thu hồi giấy đăng ký kinh doanh nếu không đủ điều kiện về PCCC
Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Hoài Nam về việc quản lý công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở kinh doanh, Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà trả lời về việc thực hiện Văn bản số 377 của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội trong việc áp dụng thực hiện Thông tư 47 của Bộ Công an về các quy định về PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường. Theo Chủ tịch quận Long Biên, thông tư này, có hiệu lực từ ngày 4/12/2015 nhưng theo quy định, có 24 tháng để các cơ sở kinh doanh có biện pháp khắc phục các quy định về PCCC.
Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà |
Trong thời gian đó, các cơ sở theo hướng dẫn số 337 sẽ thực hiện các các biện pháp khắc phục cấp bách, để bắt đầu từ 4/12/2017 khi Thông tư này có hiệu lực, các quận huyện sẽ kiểm tra xử lý theo quy định.
Tại quận Long Biên có tổng số 73 cơ sở kinh doanh thì hiện còn 41 cơ sở chưa đủ các điều kiện theo Thông tư 47.
“Chúng tôi đã thực hiện phổ biến, yêu cầu các cơ sở có biện pháp cấp bách để đảm bảo các điều kiện PCCC tạm thời. Thời điểm này, Thông tư 47 đã có hiệu lực, quận đã thành lập các đoàn liên ngành để tiến hành kiểm tra xử lý các cơ sở này theo quy định.
Theo tiến độ thời gian, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và thực hiện các bước xử lý với các cơ sở, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh nếu không đủ điều kiện về PCCC, phấn đấu trong quý I/2018 quận sẽ thực hiện xong các nội dung này theo quy định”, bà Hà cho hay.
Khắc phục vi phạm an toàn PCCC còn chậm
Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, hiện còn khá nhiều công trình nhà chung cư, nhà ở tái định cư chưa đảm bảo các yêu cầu về PCCC.Cụ thể, hiện còn 79 nhà chung cư vẫn tồn tại vi phạm về PCCC. “39 công trình đã khắc phục và được nghiệm thu, còn 49 công trình chưa khắc phục” - ông Định cho hay.Ông Định cho rằng, một số vấn đề đã được khắc phục ngay nhưng vẫn còn những tồn tại chưa thể giải quyết do nhiều vấn đề liên quan đến công năng sử dụng và kinh phí đầu tư lớn nên cần phải có thêm thời gian.Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định trả lời chất vấn |
Đồng thời Lãnh đạo lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng khẳng định, có 22 công trình có khả năng khắc phục trong thời gian tới; từ nay đến hết quý I/2018 sẽ khắc phục xong.
Ngoài ra, 26 công trình hiện khó có khả năng khắc phục, UBDN TP cũng đã có chỉ đạo, thành lập Tổ liên ngành kiểm tra, đánh giá thực trạng. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền, khả năng của TP sẽ được báo cáo lên Bộ Xây dựng, Bộ Công an để có giải pháp xử lý phù hợp.Liên quan đến 167 toà nhà chung cư phục vụ tái định cư còn tồn tại vi phạm về PCCC, ông Định thừa nhận tiến độ khắc phục còn chậm; 59 công trình mới chỉ thực hiện xong khảo sát, 47 công trình đã ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống PCCC.Ông Định cho biết: “Tổng mức kinh phí khắc phục tồn tại các công trình này lên tới trên 170 tỷ đồng, Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND TP xin ý kiến chỉ đạo, có thể kêu gọi xã hội hoá để từng bước khắc phục”.Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cũng đề xuất, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là chủ đầu tư và người dân để cùng triển khai thực hiện. “Có những toà nhà, chính người dân đang sinh sống ở đó lại gây khó khăn cho việc khắc phục vi phạm về PCCC” - ông Định bày tỏ.Để tránh tình trạng tốn nhiều công sức, tiền của khắc phục những vi phạm về an toàn PCCC tại các toà nhà cao tầng, ông Định đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, địa phương siết chặt quản lý ngay từ khi xây dựng công trình, và chỉ khi nghiệm thu về an toàn PCCC mới cấp điện nước và cho phép đưa công trình vào khai thác.Bên cạnh đó, ông Định cũng nhìn nhận, công tác khắc phục vi phạm an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh Karaoke đã có kết quả khá tích cực; nhiều địa phương đã tạm đình chỉ, thậm chí cắt điện, nước để buộc dừng hoạt động những cơ sở chậm giải quyết tồn tại.Trả lời thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, trong 133 tòa nhà chung cư tái định cư, Sở Xây dựng đã khảo sát cùng Cảnh sát PCCC, các đơn vị vận hành về tình trạng toàn bộ các tòa nhà. Trong giai đoạn 1, đã triển khai 68 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 92 tỷ đồng. Tổng kinh phí nâng cấp các tòa nhà chung cư xây dựng từ năm 2000 đến 2010 với tiêu chuẩn của PCCC cũ là gần 68 tỷ đồng. Kinh phí đối với nâng cấp toàn diện theo tiêu chuẩn mới nhất của PCCC là 92 tỷ đồng cho 132/179 tòa nhà chung cư tái định cư.
Vì vậy, trong bước đột phá để giải quyết theo tiêu chuẩn mới thì phải sử dụng nguồn xây dựng cơ bản. Trách nhiệm này thuộc Sở, Sở Xây dựng cam đoan nếu bố trí đủ kinh phí thì trong 3 tháng sẽ thực hiện xong toàn bộ.
Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề của công ty Tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, vụ việc xảy ra tại công ty Tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên, hiện, chưa khởi tố vụ án. “Đây là vụ việc xảy ra ở một công ty lớn, có nhiều tình tiết nội dung cần tập trung lực lương xác minh điều tra làm rõ. Công an Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để đánh giá. Ngoài ra, Công an Hà Nội đã có đề xuất với Sở Tài chính giám định và đánh giá thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi chưa nhận được kết quả về việc giám định này. Vì thế, chưa có cơ sở để khởi tố vụ án”- ông Khương thông tin.