Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ "quyết" tăng lương cơ sở từ 1/1/2023

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/10, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, một số đại biểu đã kiến nghị Quốc hội tăng lương cơ sở sớm hơn dự định. Theo đó, thay vì thực hiện từ 1/7/2023, mà thực hiện ngay từ đầu năm tức là từ 1/1/2023.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội tham dự phiên thảo luận. Anh: TTXVN
Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội tham dự phiên thảo luận. Anh: TTXVN

Tăng lương cơ sở là thấu tình, đạt lý

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn tỉnh Bạc Liêu) cho rằng: "Sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho viên chức, công chức và người lao động, thông tin này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận".

Theo đại biểu, lần tăng lương cơ sở gần nhất là 1/7/2019 và do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch Covid-19, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên cho đến hiện nay. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của công chức, viên chức và người lao động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả, công việc và thậm chí dẫn đến tình trạng nghỉ việc và chuyển việc thời gian qua.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ "quyết" tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 - Ảnh 1

Từ thực tế kinh tế - xã hội, đại biểu nhận định, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ, bởi ước tính rằng, để tăng them 20,8% mức lương cơ sở, khoản chi của Chính phủ phải cân đối, phải dành tới 44.000 tỷ đồng. "Vừa tạm yên đại dịch, việc tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách. Đây là điều rất đáng trân trọng"- đại biểu nói. 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Huy Thái cho rằng: "Để cho niềm vui của người lao động trọn vẹn hơn và cũng là để nhanh chóng bù đắp trượt giá của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay, từ những kiến nghị của cử tri, tôi kiến nghị Quốc hội tăng lương cơ sở sớm hơn dự định là 6 tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023, mà thực hiện ngay từ đầu năm tức là từ 1/1/2023. Chắc chắn rằng đây là món quà vô cùng ý nghĩa cho những người làm công, ăn lương đã gần 3 năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch Covid-19 toàn cầu. Cử tri đang rất trông mong đề xuất này của cử tri được Quốc hội và Chính phủ chấp nhận".

Cũng theo đại biểu Nguyễn Huy Thái, "trong một câu chuyện liên quan, đang có một câu hỏi đặt ra, lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức hay không?. Nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi mà cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng."

Các đại biểu tham gia buổi thảo luận sáng 27/10. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham gia buổi thảo luận sáng 27/10. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Huy Thái đề nghị, nếu năm 2023 phát triển kinh tế - xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như ba năm vừa qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương và đây là thông tin mà cử tri đang đặc biệt quan tâm. Bởi mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại, nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái khẳng định, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.

"Khi thị trường kinh tế lao động phát triển, giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng đồng thời phải cạnh tranh phải giữ chân những người tài những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống cán bộ công chức viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả"- đại biểu nêu quan điểm.

Các đại biểu tham gia buổi thảo luận sáng 27/10. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham gia buổi thảo luận sáng 27/10. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng đề cập đến tình trạng “lương chưa tăng thì giá cả đã nhanh chân mà chạy trước”. Câu chuyện giá lương tiền cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện người lao động tha thiết quan tâm…. Vì vậy, tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị đối với người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

Cần có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng người lao động

Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương và người lao động, đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (đoàn tỉnh Hậu Giang) nhận định, tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Viên chức ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ thực trực tiếp sang trực tuyến dẫn.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ "quyết" tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 - Ảnh 2

Đại biểu nêu rõ, áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra . 

Cùng với đó, đối với lực lượng công nhân lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn…

Từ ý chí, nguyện vọng của cử tri và cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Thái Thu Xương kiến nghị, trước hết phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiết hụt nhân lực của lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ cho Nhân dân.

"Cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Theo ý kiến của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, đề xuất tăng lương từ ngày 1/1/2023, vì theo phương án của Chính phủ là từ ngày 1/7/2023, nếu tính khoảng cách giữa hai lần tăng lương là 4 năm. Đồng thời, kiềm chế lạm phát, kìm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng giá tăng 2 đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn", đại biểu Thái Thu Xương đề nghị. 

Đại biểu Thái Thu Xương cũng đề nghị, Chính phủ đưa ra quyết định phù hợp; nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị định 56 ngày 4/7/2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập. Trong đó, nâng mức lương phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 - 70% tăng lên tất cả đều hưởng mức 100%. Xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

"Bên cạnh đó, phải quyết tâm và thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách về công tác quy hoạch, đầu tư các thiết chế phục vụ người lao động và con em của họ tại các đô thị, khu công nghiệp tập trung như: nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời, nghiên cứu vấn đề chọn sách giáo khoa sao cho phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh khi phải chuyển trường do di cư theo cha mẹ trong quá trình mưu sinh", đại biểu Thái Thu Xương đề xuất.