Đại biểu phải gần dân, sát dân, biết lắng nghe dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 đang bước vào những ngày gấp rút của quá trình giới thiệu ứng cử, tự ứng cử, trước khi kết thúc vào cuối ngày 13/3.

Đây cũng là thời điểm vấn đề chất lượng ĐB được nhiều người đặc biệt quan tâm, với mong muốn có được những ĐB có trí tuệ, có bản lĩnh, thực sự đại diện cho tiếng nói chính đáng của cử tri.

Chuyên trách phải chất lượng

Theo dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐB Quốc hội Khóa XIV, số lượng ĐB ở T.Ư là 198 ĐB, ở địa phương là 302 ĐB. Trong số này có 114 ĐB chuyên trách ở T.Ư (thuộc các cơ quan của Quốc hội), 67 ĐB chuyên trách ở địa phương (mỗi địa phương một ĐB; riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, mỗi đoàn có 2 ĐB). Như vậy, số lượng ĐB ở T.Ư tăng thêm 15 người so với Khóa XIII và đều là các ĐB chuyên trách. Chủ trương này được các ĐB Quốc hội hiện nay và cử tri đánh giá cao để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn, từng bước được chuyên nghiệp hóa.
Cử tri Phạm Năng Khương (phường Chương Dương) phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII.  	Ảnh : Thanh Hải
Cử tri Phạm Năng Khương (phường Chương Dương) phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh : Thanh Hải
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ 1/1/2016), ĐB chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; ĐB kiêm nhiệm dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện vai trò ĐB Quốc hội. Như vậy, ĐB chuyên trách là những người gần cử tri hơn, có thời gian để lắng nghe cử tri nhiều hơn. Hơn nữa, số đông ĐB kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể… dẫn tới sự chồng chéo, gây nên những tình huống “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong xây dựng luật hoặc ĐB quá bận bịu dẫn đến có nhiều ghế trống trên nghị trường.

Tuy nhiên, như ĐB Chu Sơn Hà (Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) đã chia sẻ, vấn đề là tổ chức hoạt động của ĐB sao cho hiệu quả và phát huy được sức mạnh tập thể. Trong đó, cần tăng ĐB chuyên trách cho địa phương. ĐB chuyên trách ở T.Ư không sát thực tiễn bằng địa phương, vậy thì làm sao những thông tin từ thực tiễn, từ cuộc sống người dân được phản ánh đầy đủ? Nếu địa phương được tăng cường ĐB chuyên trách thì có thể tổ chức được nhiều đoàn giám sát và từ đó mới thấy được những bất cập mà nếu không giám sát thì không thể nào biết được. ĐB Quốc hội Bùi Thị An cũng cho rằng, phải chọn những ĐB có trí tuệ, có bản lĩnh, thực sự đại diện cho tiếng nói chính đáng của cử tri, đồng thời cũng phải có trình độ để làm luật và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Hơn nữa, một trong những tiêu chuẩn được nhấn mạnh đối với ĐB nói chung là phải có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, nghĩa là có thể sắp xếp, bố trí được thời gian cho vai trò ĐB dân cử. Nếu không đáp ứng được điều kiện này thì dù có giỏi đến đâu cũng không thể tham gia được, vì hoạt động của Quốc hội là phải gần dân, dành thời gian để lắng nghe dân. ĐB chuyên trách lại càng phải gần dân hơn.

Đại biểu phải gần dân

Đó cũng là vấn đề được không ít cử tri đề cập tới khi chia sẻ về những mong muốn trước việc chọn lựa ĐB cho một nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND mới. Có cử tri đã bày tỏ sự không hài lòng một số ĐB đến hết nhiệm kỳ vẫn im lặng, không có dấu ấn nào đáng kể tại nghị trường, không thấy dấu ấn hoạt động nào. Ngay cả trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ĐB cũng cần gần dân hơn, bởi tiếp xúc cử tri vẫn nặng về hình thức. Không chỉ cử tri, trong một cuộc tiếp xúc gần đây, chính Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Đà Nẵng cũng bày tỏ: Trúng cử ĐB Quốc hội nhưng đi họp không dám phát biểu, ngồi im re, sợ va chạm thì tốn tiền của người dân. Tôi thấy nhiều tỉnh, Bí thư, Chủ tịch đều làm ĐB Quốc hội nhưng lấy lý do bận việc nên thường bỏ ghế trống, còn khi phát biểu thì không hề có tính phản biện, chỉ đứng lên nói để truyền hình quay phim cho dân biết mình có đi dự. Đó là một điều rất đáng buồn.

Cuộc bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND các cấp đang ở giai đoạn các cơ quan, tổ chức đơn vị tiến hành các thủ tục giới thiệu người đại diện tham gia ứng cử, đồng thời những người có ý định tự ứng cử chuẩn bị hồ sơ ứng cử. Không ngạc nhiên khi có ý kiến đề nghị cần coi “không có tiếng nói nào” là tiêu chí đánh giá ĐB Quốc hội khi họ tái ứng cử. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ, cơ cấu là cần thiết nhưng vấn đề chất lượng ĐB cần được coi trọng. Bởi nhìn lại hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, vẫn còn tình trạng ĐB vắng mặt nhiều tại các kỳ họp, ĐB ít phát biểu, ít thảo luận, ít thể hiện chính kiến trong các phiên họp. Trong khi họ phải là người đại diện cho chính kiến của người dân. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì phải gần dân, sát dân và lắng nghe người dân nói. Một nhiệm kỳ Quốc hội là khoảng thời gian dài, cái quan trọng nhất khi bước vào nghị trường để tranh luận, chất vấn thì đối với mọi vấn đề, người ĐB phải thể hiện được “hơi thở” của người dân, lợi ích của người dân là trên hết. Và chất lượng ĐB nên bắt đầu “sàng lọc” từ khâu lựa chọn các ứng viên.
Ngày 17/3 sẽ diễn ra Hội nghị hiệp thương lần 2
Theo thông tin từ Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội nghị hiệp thương lần 2 giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội sẽ được tổ chức vào ngày 17/3, thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐB Quốc hội căn cứ vào các nội dung: Tiêu chuẩn của ĐB Quốc hội; Kết quả điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐB Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Kết quả thỏa thuận tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; Hồ sơ, biên bản của cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội gửi đến; Ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử ĐB Quốc hội. Hội nghị cũng sẽ bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử; nêu ra các vấn đề cần xác minh, làm rõ đối với những người ứng cử.