Đại biểu QH: Chính phủ "nóng" nhưng bộ máy bên dưới còn "lạnh"

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 31/10, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chỉ ra nhược điểm của bộ máy hành chính là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 -2020.
Bộ máy hành chính còn “trên nóng dưới lạnh”
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, qua báo cáo của Chính phủ, điểm nổi bật nhất, căn bản nhất là cả 1 chỉ tiêu của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt. Đây là điều đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm, cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
 ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương  Ninh Thuận
Đại biểu cũng chỉ ra nhược điểm của bộ máy hành chính là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Trong khi Chính phủ quyết liệt nhưng bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi không làm tròn nhiệm vụ. Đại biểu dẫn chứng về tình trạng buôn lậu. Trong báo cáo của Chính phủ có nêu “tình trạng buôn lậu vẫn đang xảy ra”, nhưng trên thực tế tình trạng này đang phức tạp, “sôi động” trên cả đất liền và trên biển. Dẫn chứng thứ 2 là tình trạng phá rừng, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng rừng vẫn không được đóng, những vụ phá rừng ở một số địa phương vẫn xảy ra.

Đại biểu cho biết, từ việc tiếp xúc với một chủ doanh nghiệp trồng rừng, nghe anh ta nói mới biết trồng rừng và giữ rừng rất khó khăn. Với kinh nghiệm thực tế của chủ doanh nghiệp đó, nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại, kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy.
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển KTXH 2017, các chỉ tiêu kế hoạch KTXH đặt ra cho năm 2018, tin tưởng năm nay sẽ đạt và vượt 13 chỉ tiêu đề ra. 

Đồng thời đại biểu góp ý với Chính phủ có giải pháp năng động trong điều hành để ứng phó với biến đổi khí hậu, để bảo vệ những thành quả đã đạt được về KTXH của nhà nước và nhân dân trước tác động tiêu cực do thiên tai gây ra.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển giao thông miền núi, nhất là những tuyến đường bị ảnh hưởng của mưa lũ; xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu; sắp xếp lại dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai; xử lý nghiêm các vi phạm chủ trương đóng cửa rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép...
Tăng trưởng cuối năm cao, đầu năm thấp

Cũng tại phiên thảo luận, góp ý về tốc độ tăng trưởng, Đại biểu Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ), nhiều cử tri cho rằng, số liệu tăng trưởng các năm gần đây chưa hợp lý, tăng trưởng giữa các quý đột ngột, không theo logic thông thường, các quý cuối năm tăng trưởng rất cao nhưng sang quý 1 đầu năm sau giảm xuống rất nhanh và đột ngột. Nếu lý giải quý 1 là dịp tết nên sản xuất giảm sút là không thuyết phục bởi dịp đầu năm được bù đắp bởi tiêu dùng và du lịch nên nếu có giảm cũng không thể quá sâu.
 Đại biểu Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ)
Lý do quy trình ngân sách theo năm, đầu năm chi ít cũng không thể làm tốc độ tăng trưởng giảm quá nhanh vì quý 1 có thể giảm chi đầu tư nhưng vẫn phải chi các khoản khác và chi tiêu ngân sách, chỉ tác động một phần đến tăng trưởng. Sản xuất không thể đình trệ đột ngột trên diện rộng để GDP rơi tự do như diễn biến mấy năm gần đây.

Đại biểu dẫn chứng, quý 4/2015 tăng trưởng 7,01%, quý 1/2016 rơi xuống 5,48%, mức tăng trưởng này nhích dần, đến quý 4/2016 đạt mức cao là 6,68%, rồi lại giảm ngay ở quý 1/2017 còn 5,1%, rồi lại tăng ở các quý tiếp theo…

“Với số liệu trên, cử tri cho rằng, nếu thống kê tốt, không có nghi vấn gì tăng trưởng có những điểm nghẽn rất bất hợp lý, trái với logic thông thường nên đề nghị Chính phủ phải làm rõ và có giải pháp khắc phục, không để tình trạng này xảy ra ở quý 1/2018 và các năm sau”, đại biểu góp ý. 

Đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai đẩy nhanh tiến độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách; sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công 2018;..
Đại biểu Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu), bày tỏ đồng tình nhất trí cao với những đánh giá của Quốc hội về điều hành KTXH và ngân sách nhà nước năm 2017, đại biểu cũng góp ý về vấn đề cân đối ngân sách đối với các tỉnh miền núi; đổi mới thủ tục, sớm ban hành các hướng dẫn để địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền xững và xây dựng nông thôn mới) giai đoạn 2016 - 2020;...

Đại biểu cũng góp ý về việc bố trí vốn triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn cho các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện; góp ý đổi mới quy trình thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền núi; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...