Đại biểu Quốc hội băn khoăn về thời điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số nội dung: Có nên tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 01/7/2021 hay không? Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh; Tên gọi, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường..
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Để hoàn thiện dự thảo nghị quyết đại biểu Dương Minh Tuấn có ý kiến là để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một trung tâm tài chính, kinh tế, công nghệ cao của cả nước và khu vực, đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị thì việc Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là cần thiết.
 Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho ý kiến.
Về thí điểm, đại biểu Dương Minh Tuấn tán thành với đề nghị của Chính phủ, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP Chí Minh là vấn đề quan trọng và cấp bách nên triển khai thực hiện ngay, không cần phải tổ chức thí điểm vì 2 lý do. Thứ nhất là, phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có hiệu lực. Cụ thể, đó là khoản 14 và khoản 17 Điều 2 của luật quy định, chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Lý do thứ hai, về thực tiễn, TP Hồ Chí Minh đã có 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện và phường, khi thực hiện Nghị quyết số 26 Quốc hội khóa XII. Qua báo cáo tổng kết, đánh giá của TP Hồ Chí Minh cho thấy việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường tại TP Hồ Chí Minh không làm ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương. Hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước thành phố và các quận, huyện, phường vẫn ổn định và thông suốt.
Về tên gọi, đại biểu Dương Minh Tuấn thống nhất với tên gọi của Nghị quyết, đó là Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Về bố cục, nội dung của dự thảo Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết có 12 điều, các nội dung của Đề án phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể là Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và phù hợp với Hiến pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức quyền địa phương như Tờ trình của Chính phủ đã nêu.
Đại biểu DƯơng Minh Tuấn nhấn mạnh, TP Chí Minh cần có một mô hình chính quyền mang tính ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.
Về thời gian thực hiện, nội dung đề án và dự thảo nghị quyết được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu nên việc thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại kỳ họp này, thực hiện ngay từ ngày 01/7/2021 để TP Hồ Chí Minh kịp chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết.
Ngoài những vấn đề trên, đại biểu Dương Minh Tuấn còn có băn khoăn, đó là vấn đề đảm bảo quyền đại diện, quyền dân chủ của người dân, vì các nhiệm vụ khác của Hội đồng nhân dân cấp quận, phường như thu, chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản thực chất đã được Hội đồng nhân dân cấp trên quyết định trước đó. Do vậy, đề nghị cần quan tâm hơn nữa và nâng cao vai trò giám sát của cấp ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân TP, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội nhằm đảm bảo các quyền của người dân.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Đoàn tỉnh Bình Phước) cho rằng: TP Hồ Chí Minh được xem là một đại đô thị của nước ta, với hơn 10 triệu người cư trú và khách vãng lai, đây là một thành phố hết sức năng động. Với mong muốn TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển xứng tầm với vai trò và vị thế mà TP Hồ Chí Minh đã có sẵn trong nội lực của mình, nên việc có Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là cần thiết. Thứ nhất, TP Hồ Chí Minh cũng đang là một trong 10 tỉnh thành phố trên cả nước đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và đã có một kết quả đánh giá thí điểm sau 6 năm cơ bản thực tiễn là tốt.
Thứ hai, trên cơ sở sau khi phân bổ lại nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân TP, có tính tiếp quản nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cấp phường, cấp quận thì vẫn đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ và giải quyết các vấn đề liên quan đến nguyện vọng của người dân. Những vấn đề của người dân sẽ được chú trọng, giải quyết và nâng cao hơn bởi Hội đồng nhân dân cấp TP.
Thứ ba, nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức Đảng, các cấp của Hội đồng nhân dân TP, của các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Chí Minh cũng sẽ phải tham gia vào tiến trình này. Cho nên việc không có Hội đồng nhân dân cấp huyện cũng như cấp quận và phường, các phường thuộc các quận thì đã có Hội đồng nhân dân và các cơ quan liên quan có sự giám sát cũng yên tâm.
Thứ tư, qua Nghị quyết này, TP Hồ Chí Minh sẽ tinh giảm được bộ máy cấp phường, cấp quận. Qua tính toán sơ bộ giảm hơn 500 đại biểu chuyên trách ở cấp phường và cấp quận của 17 quận không sáp nhập và giảm khoảng 800 vị trí việc làm khi sáp nhập 3 quận gồm: Quận 2, Quận 9 và huyện Thủ Đức của TP Chí Minh. Qua đó, giảm chi ngân sách được hơn 3.000 tỷ/1 nhiệm kỳ, con số này chúng tôi tạm tính trên cơ sở báo cáo của tài liệu.
Thứ năm, thực tiễn đang diễn ra với đại dịch Covid-19, sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0 cũng như tiến trình hình thành hệ thống Chính phủ điện tử nhằm tăng cường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân. Vì vậy, đây là thời cơ thuận lợi để chúng ta mạnh dạn tạo thế và lực thông qua hình thức cải cách thể chế của TP Hồ Chí Minh. Qua đó tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh phát triển, làm đòn bẩy phát triển cho các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Do đó, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị các vị đại biểu Quốc hội và Quốc hội xem xét cho thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh trong kỳ họp này để có hiệu lực vào ngày 01/7/2021 như dự thảo và đồng thời để tạo tính ổn định và phát triển lâu dài.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung cũng đề nghị Quốc hội xem xét không dùng thuật ngữ “thí điểm” mà nên tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh ổn định phát triển chính quyền đô thị trong thời gian tới.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung cũng kiến nghị TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy cơ chế đặc thù mà đã được Quốc hội thông qua. Cùng với việc tiếp tục đề xuất các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2025 với trọng tâm là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, quan tâm đến đầu tư hạ tầng kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.
Đặc biệt, sau khi được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, TP Hồ Chí Minh cần chú trọng đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố mới trực thuộc TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện thuận lợi nhất, để cho thành phố mới cất cánh cũng giống như đây là một mô hình thí điểm tiếp theo của các TP vệ tinh của TP Hồ Chí Minh trong tương lai.
Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Đoàn tỉnh Phú Yên) nêu quan điểm: Trong báo cáo về thực trạng tổ chức hoạt động của chính quyền các cấp tại TP Hồ Chí Minh kèm theo Tờ trình số 451 ngày 3/10/2020 của Chính phủ chưa đánh giá những khó khăn, hạn chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Ngoài ra, cũng trong báo cáo trên, khi đánh giá về những hạn chế, về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp quận, cấp phường đều nêu ra rất chung chung, như tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân ở các cơ quan hành chính còn cao, chất lượng không đồng bộ, còn hạn chế về năng lực và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, thực hiện các quyền mang tính hình thức, thẩm quyền, hạn chế hiệu quả công tác giám sát chưa rõ nét.
 Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Đoàn tỉnh Phú Yên) nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân cho rằng, đây là tình trạng chung về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong cả nước, rất cần được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm đề ra những giải pháp mạnh mẽ hơn, khắc phục, giải quyết tình trạng trên trong phạm vi cả nước.
Khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường đòi hỏi phải xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn mà Hội đồng nhân dân quận, phường đang thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, điều khiến đại biểu Nguyễn Hồng Vân băn khoăn nhiều nhất, đó là quyền dân chủ, quyền đại diện của nhân dân trong việc giám sát và kiểm soát quyền lực đã bị cắt bỏ một kênh hết sức quan trọng, đó là ở Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường. Vì thực tế trong thời gian qua đã thấy thực hiện theo mô hình hiện tại, quyền dân chủ và quyền đại diện của nhân dân được thực hiện hết sức là đầy đủ qua các kênh Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Thường trực Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận và các đoàn thể trong việc giám sát và kiểm soát quyền lực. Những vấn đề xảy ra một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng mà cấp ủy và các cấp chính quyền của TP Hồ Chí Minh đã và đang phải bỏ nhiều công sức và thời gian để giải quyết.
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân vẫn đồng tình với mục tiêu đảm bảo chính quyền khu vực đô thị tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt khác, quy mô của TP Hồ Chí Minh là đô thị với gần 10 triệu dân, là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, là trung tâm kinh tế của cả nước có sức thu hút lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị phù hợp với những đặc điểm trên của TP Hồ Chí Minh là cần thiết, nhưng phải hết sức thận trọng, có lộ trình, có bước đi phù hợp.
Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Hồng Vân đề nghị Quốc hội xem xét trước mắt chỉ thực hiện việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận của 19 quận thuộc TP Hồ Chí Minh với 665 đại biểu. Vì theo báo cáo đây là trung gian, chúng ta có thể giảm bớt biên chế Hội đồng Nhân dân ở cấp này, sau đó chúng ta sẽ có những đánh giá toàn diện hơn, cụ thể hơn để tiếp tục thực hiện.
Riêng 259 phường vẫn giữ nguyên như mô hình theo quy định hiện hành và phải ưu tiên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa vì đây là cấp cơ sở trực tiếp với nhân dân cấp mà chính quyền nhân dân thể hiện quyền dân chủ, quyền đại diện rõ nét nhất và hết sức cần thiết để góp phần khắc phục những hạn chế, thiếu sót như đã nêu trên.
Tham gia thảo luận trực tuyến, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thành phố. TP Hồ Chí Minh là thành phố đô thị đặc biệt, là một trong hai TP lớn nhất của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục xã hội, là đầu tàu động lực và thu hút sự lan tỏa, là vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam cũng như của cả nước, là một địa phương có nhiều đơn vị hành chính trực thuộc, nhiều quận, phường là đô thị mang tầm vóc, dáng vẻ của một đô thị quốc gia, cho nên việc cho phép trong quá trình tổ chức thực hiện chính quyền đô thị ở thành phố vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần phải đổi mới mô hình để làm sao chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Việc cho phép TP Hồ Chí Minh hình thành chính quyền đô thị là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn và đại đa số quần chúng nhân dân TP Hồ Chí Minh mong muốn. Vì vậy, rất cần thiết hình thành chính quyền đô thị TP.
Về phạm vi, nội dung dự thảo của nghị quyết, đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành với ý kiến thứ nhất, giải trình của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, cũng như nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban Pháp luật, đồng tình sẽ không tổ chức thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Bởi vì có những lý do như sau: Thứ nhất, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, quy định: "Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền của địa phương". Đó là một cơ sở lý luận thực tiễn mà trường hợp này là Quốc hội quy định. Cho nên, không nhất thiết phải hình thành và thực hiện thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Về mặt thực tiễn, cách đây gần 6 năm, TP Hồ Chí Minh cùng với 10 địa phương khác đã tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường, huyện của Thành phố Chí Minh. Cao nhất của cả nước là 21 đơn vị và đã tổ chức thực hiện tổng kết, thực hiện thí điểm và khi thực hiện thí điểm thì không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường mang lại hiệu quả rất lớn lao, như mong đợi của bà con cử tri và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Một vấn đề cơ sở thực tiễn thứ hai nữa, không tổ chức thí điểm của TP Hồ Chí Minh khác với TP Hà Nội và TP Đà Nẵng. Đối với TP Hà Nội, khi mà Quốc hội ban hành nghị quyết cho thực hiện thí điểm không tổ chức chính quyền địa phương thì lúc đó TP Hà Nội còn thực hiện theo Luật Chính quyền địa phương hiện hành và tới khi TP Đà Nẵng thực hiện chính quyền đô thị của TP Đà Nẵng thì lúc đó Luật Chính quyền địa phương mới sửa đổi, bổ sung, chưa có hiệu lực thi hành. Cho nên, 2 vấn đề này hoàn toàn khác nhau và hiện tại TP Hồ Chí Minh thực hiện không thí điểm tổ chức Hội đồng nhân dân ở đô thị TP là đã thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương bổ sung, mới ban hành. Đây là một cơ sở cực kỳ quan trọng. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất theo Tờ trình của Chính phủ là cho phép TP Hồ Chí Minh, Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất với Nghị quyết của Quốc hội, có hiệu lực thi hành từ ngày ngày 01/01/2021 và triển khai thực hiện nghị quyết này bắt đầu từ ngày 01/7/2021. Việc ban hành nghị quyết này, tại kỳ họp thứ 10 theo trình tự thủ tục rút gọn là một kỳ họp. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, mà đặc biệt là Hội đồng nhân dân thành phố. Khi quận, phường của TP Hồ Chí Minh không tổ chức Hội đồng nhân dân thì nhiệm vụ, vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố cực kỳ quan trọng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cũng cần nêu rõ và nêu thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân TP để thực hiện chức năng giám sát, không để trống quyền lực của chính quyền địa phương ở quận, ở phường, bị sơ hở là chúng ta không có Hội đồng nhân dân phường và Hội đồng nhân dân quận để thực hiện công tác giám sát. Cho nên, Hội đồng nhân dân TP nhiệm kỳ tới cần mở rộng số lượng, đặc biệt là đại biểu Hội đồng nhân dân TP để đủ sức và đủ chức năng tham gia giám sát. Ở quận, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân là một yếu tố khách quan mà cần thiết phải rộng phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân TP.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận Phiên họp.
Về tên gọi, đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành rất nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật, đó là có thể đặt tên khác với Tờ trình của Chính phủ nên gọi là Ủy ban hành chính. Lý giải về đề xuất gọi là Ủy ban hành chính vì Ủy ban hành chính theo tờ trình và đề án của Chính phủ thì khác với Ủy ban nhân dân hoàn toàn về mặt pháp lý, chức năng, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân là nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân và nơi có Hội đồng nhân dân. Cho nên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ sở pháp lý khác nhau. Đặc biệt trong Đề án trình là Ủy ban nhân dân thực hiện theo cơ chế thủ trưởng, mà đã là cơ chế thủ trưởng thì không có việc thay mặt Ủy ban nhân dân để ký tên những văn bản đó. Nếu là cơ chế thủ trưởng thì chỉ ký tên là Chủ tịch hoặc ký thay Chủ tịch, Phó Chủ tịch là kỳ tổ chức thực hiện. Còn Ủy ban nhân dân là cơ chế tập thể, nó hoàn toàn hoạt động độc lập. Mặc dù đổi tên là Ủy ban hành chính thì sẽ rất nhiều tốn kém về ngân sách để thay đổi con dấu nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất nên đổi mới tên là Ủy ban hành chính.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết. theo chương trình kỳ họp, dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường vào chiều ngày 12/11/2020 của đợt 2 kỳ họp thứ 10. Theo đó, đợt 2 của kỳ họp, Quốc hội sẽ họp tập trung tại hội trường Diên Hồng bắt đầu từ ngày 02/11/2020 như chương trình đã thông qua./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần