Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đại biểu Quốc hội: cần kiểm soát giá bán, giá thuê nhà ở xã hội

Kinhtedothi - Khẳng định nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, ưu việt của chế độ ta với những đối tượng đặc thù, song, đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu không kiểm soát được giá bán, giá thuê nhà ở xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.

Ngày 24/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và đề nghị sớm ban hành Nghị quyết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với việc phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân và xã hội.

Quỹ phát triển nhà ở xã hội cần đa dạng nguồn vốn

Phát biểu ý kiến về Quỹ nhà ở xã hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhận xét, đầu tư vào nhà ở xã hội có mức lợi nhuận thấp, đặc biệt là cho thuê lại càng không đủ khả năng hoàn trả vốn. Vì thế, việc thành lập quỹ để tạo vốn đầu tư rất cần thiết và hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu lưu ý, quỹ này sẽ sử dụng tiền thu được từ việc không dành đất 2% tại các dự án thương mại để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định hiện nay chỉ áp dụng với các dự án được phê duyệt đầu tư sau khi luật có hiệu lực, còn các dự án thương mại được phê duyệt đầu tư trước đó phải làm lại thủ tục đầu tư để chuyển diện tích đất sang phát triển nhà ở xã hội. Điều này gây phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 12 (Điều khoản chuyển tiếp) một khoản quy định rõ: Với các dự án thương mại đã được phê duyệt trước khi luật có hiệu lực, phần diện tích đất dành cho nhà ở xã hội (20%) được phép chuyển thành đất thương mại và đem đấu giá để bổ sung nguồn lực cho quỹ phát triển nhà ở xã hội, mà không cần làm lại thủ tục đầu tư.

Cùng với đó, quỹ phát triển nhà ở xã hội cần đa dạng nguồn vốn, đặc biệt từ chính những người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà. Nhiều nước đã lập các quỹ cho người mua nhà: Ai đóng góp nhiều, thường xuyên sẽ được ưu tiên mua, thuê mua hoặc thuê. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng đóng góp vào quỹ này. Những người có nhu cầu sẽ đóng góp thường xuyên và coi số tiền họ đóng là tiêu chí lựa chọn thứ tự ưu tiên mua, thuê mua hay thuê.

Đối với việc giải ngân gói tín dụng 120.000 - 145.000 tỷ đồng được ngân hàng cam kết nhưng giải ngân chậm, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra nguyên nhân một phần là khi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội muốn vay, ngân hàng lại tính tổng dư nợ của doanh nghiệp ở tất cả dự án khác, khiến họ không đủ điều kiện vay tiếp. Như vậy, doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở xã hội nhưng không thể tiếp cận được vốn.

Do đó, đại biểu đề nghị, cần tách riêng phần dư nợ cho vay phát triển nhà ở xã hội, không gộp chung với các khoản vay thương mại khác của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có dự án nhà ở xã hội sẽ được vay từ quỹ tín dụng này mà không tính dư nợ từ các dự án thương mại trước đó. Kiến nghị này có thể đưa vào nghị quyết hoặc hướng dẫn của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, giá nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn cao so với thu nhập của người thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Ảnh: Quochoi.vn

Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, giá nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn cao so với thu nhập của người thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Bây giờ, nhà ở xã hội giá 25 triệu đồng/m2. Với một người có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng, thậm chí là vài triệu đồng/tháng, rất khó cho đối tượng thực sự cần nhà ở có thể mua được.

Dẫn Luật Nhà ở quy định “nhà ở xã hội chỉ được phép chuyển nhượng lại khi đạt thời hạn tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm tất toán toàn bộ khoản tiền mua nhà ở đó”, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, quy định này vừa hạn chế quyền định đoạt tài sản, vừa dễ xảy ra tình trạng “đầu cơ”, chờ cơ hội để bán chênh lệch, thậm chí là bán nhà cho những đối tượng không có nhu cầu. Do đó, cần tăng cường hình thức cho thuê nhà ở xã hội.

Khẳng định nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, ưu việt của chế độ ta với những đối tượng đặc thù, song, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cho rằng, nếu không kiểm soát được giá bán, giá thuê nhà ở xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. “Tôi đề nghị Chính phủ có phương án và có cách thức kiểm soát tốt vấn đề giá bán, giá thuê hoặc thuê mua để các đối tượng được thụ hưởng tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị.

Liên quan đến giá bán nhà ở xã hội, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, chúng ta mất rất nhiều thời gian, công sức để xác định giá bán, tính toán chi phí, cho bán trước rồi kiểm toán sau... tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chi phí đấy cũng là tiền, thời gian chậm xác định giá bán cũng là tiền, khiến giá nhà ở xã hội bị đội lên. Do đó, cần nghiên cứu phương án mức giá trần để tiết kiệm thời gian, công sức và giảm giá nhà ở xã hội.

Đề xuất bổ sung cơ chế thuê mua sau thời gian sử dụng nhà ở xã hội ổn định, như người thuê được chuyển quyền mua nhà ở xã hội sau tối thiểu 5 năm cư trú liên tục và không vi phạm hợp đồng, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Diễm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng, điều này không chỉ tạo động lực ổn định đời sống, mà còn giúp giảm áp lực về sở hữu nhà cho người lao động.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Không thể quy định giá sàn cho nhà ở xã hội

Phát biểu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, thực tế trong 5 năm qua, trên cả nước mới có 679 dự án nhà ở xã hội. Trong số này, mới có 108 dự án hoàn thành với tổng số 73.000 căn, tương đương đạt 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới được 15.600 căn hoàn thành, còn hơn 19.000 căn đang được khởi công, như vậy, mới đạt 44% mục tiêu.

Nhấn mạnh việc quy định giá sàn cho nhà ở xã hội là không thể thực hiện được, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho hay, sau khi thiết kế mẫu nhà ở xã hội được phê duyệt, Sở Xây dựng và Sở Tài chính các địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được chênh lệch 10% so với dự toán.

“Tới đây, còn khoảng 34 tỉnh, thành phố triển khai, mỗi nơi đều có đơn giá vật liệu, vật tư khác nhau thì phải quy định theo giá dự toán, không thể đưa ra một giá sàn chung” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chia sẻ.

Cần đồng bộ cơ chế thí điểm phát triển nhà ở xã hội

Cần đồng bộ cơ chế thí điểm phát triển nhà ở xã hội

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đoàn các địa phương vào viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Đoàn các địa phương vào viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

24 May, 04:59 PM

Ngày 24/5/2025, tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình tổ chức trọng thể Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương theo nghi thức Quốc tang.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ