Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội cần theo đuổi đến cùng nội dung kiến nghị của cử tri

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội cần theo đuổi đến cùng các nội dung kiến nghị của cử tri nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền.

Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu Quốc hội trên địa bàn TP.

Tại hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện cho rằng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam nơi tổ chức tiếp xúc, với tư cách là chủ trì buổi TXCT cần quan tâm năng lực tổ chức, điều hành, biết gợi ý, hướng cử tri tham gia phát biểu có trọng tâm trọng điểm; thực hiện báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cần phải bám sát nội dung trọng tâm, bức xúc - nhất là những vấn đề quan tâm của đông đảo cử tri, phản ánh kịp thời.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây Nghiêm Thị Thúy Hằng nêu ý kiến tại hội nghị
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây Nghiêm Thị Thúy Hằng nêu ý kiến tại hội nghị

Đồng thời, phân loại theo từng lĩnh vực, xác định rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cấp, ngành nào để chuyển tới đúng địa chỉ để giải quyết. Răng cường vai trò hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri thông qua các kỳ họp và qua công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Các ý kiến cũng nhấn mạnh cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo đuổi đến cùng các nội dung kiến nghị của cử tri nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, đối với những nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần, cần xem xét, đánh giá tính khả thi của việc giải quyết, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, các cấp, các ngành đề ra giải pháp, lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạch Thất Nguyễn Hữu Hùng đề xuất, để nâng cao hiệu quả TXCT của đại biểu Quốc hội cần xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để cử tri có điều kiện tham gia đông đủ, cách thức điều hành buổi TXCT linh hoạt, người điều hành cần định hướng nội dung của từng đợt TXCT phù hợp, có thể gợi mở vấn đề để cử tri tham gia. Chú ý dành nhiều thời gian để cử tri được thể hiện tâm tư nguyện vọng đề xuất ý kiến, kiến nghị; chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, nội dung TXCT để có nhiều cử tri tham gia.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hoạt động TXCT theo hình thức chuyên đề, lĩnh vực, đại biểu Quốc hội phối hợp với đại biểu HĐND cùng cấp cùng TXCT để giúp đại biểu lắng nghe được nhiều ý kiến, kiến nghị hơn. Qua đó, có những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ kịp thời bất cập, vướng mắc theo lĩnh vực và giúp đại biểu nắm bắt chuyên sâu về việc tuyên truyền, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan sát thực tiễn.

Tăng cường vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội sau mỗi cuộc TXCT thông qua các kỳ họp và qua công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Qua đó, đại biểu đánh giá chất lượng giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri có đáp ứng được nguyện vọng của cử tri hay chưa. Đối với những ý kiến trả lời giải quyết chưa thỏa đáng, đại biểu Quốc hội cần tiếp tục kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương, UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh Chu Thị Hậu, giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác TXCT của đại biểu Quốc hội thì ngay tại buổi TXCT, các cơ quan, đơn vị liên quan cùng tham dự phối hợp giải thích, giải quyết, trả lời ngay một số ý kiến cử tri phản ánh.

Trong đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Hà Giang tháng 7/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã phối hợp trao Lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc cỡ đại để treo trên cột cờ Lũng Cú
Trong đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Hà Giang tháng 7/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã phối hợp trao Lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc cỡ đại để treo trên cột cờ Lũng Cú

Đối với từng đại biểu trước khi TXCT cần kiểm tra, rà soát những ý kiến, kiến nghị và những vấn đề được cử tri quan tâm nêu tại cuộc tiếp xúc cử tri trước đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết đến đâu, còn vướng mắc, ách tắc khâu nào, nguyên nhân vì sao chưa giải quyết. Đồng thời, cần mở rộng hình thức TXCT, trong đó tăng cường TXCT theo chuyên đề.

"Nếu thực hiện tốt hình thức này sẽ mang lại hiệu quả cao giúp đại biểu có thêm nhiều thông tin khi tham gia quyết định các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao", Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh nêu.

Còn Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây Nghiêm Thị Thúy Hằng cho rằng, trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần tiếp tục phối hợp phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQ ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đảm bảo đồng bộ, thống nhất, đúng quy định; nắm chắc các nội dung để thông tin cho các cử tri được biết và đa dạng hóa các hình thức TXCT; tăng cường tập huấn, hướng dẫn trong hệ thống MTTQ những nội dung, nghiệp vụ, kỹ năng công tác tổ chức hội nghị TXCT và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh đó, nội dung chuẩn bị để đại biểu Quốc hội báo cáo trước cử tri cần ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm; dành thời gian để cử tri trao đổi, phản ánh, đề xuất, kiến nghị. Bố trí thời gian tiếp xúc cử tri linh hoạt để thu hút đông đảo cử tri tham gia và ghi nhận đầy đủ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Khi tổng hợp kiến nghị của cử tri cần quan tâm rà soát, phân loại, thống nhất các ý kiến, kiến nghị để tránh trùng lặp. Đối với các kiến nghị gửi cơ quan Trung ương cần tham vấn thêm ý kiến của cơ quan chuyên môn để đảm bảo kiến nghị chính xác, trọng tâm; Thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức TXCT phù hợp với thực tiễn, cần nghiên cứu xây dựng ứng dụng tiếp nhận kiến nghị cử tri trên nền tảng số và các hình thức khác.

Đặc biệt, "đối với nội dung trao đổi, giải trình của các sở, ngành, địa phương về các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại hội nghị TXCT cần có cơ chế khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm và lộ trình giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri nhằm tránh việc trả lời chung chung, thiếu thông tin, không có lộ trình, né tránh trách nhiệm", Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây Nghiêm Thị Thúy Hằng nêu.

Buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội TP về Việc thực hiện chính sách pháp luật về phóng cháy, chữa cháy trên địa bàn 
Buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội TP về Việc thực hiện chính sách pháp luật về phóng cháy, chữa cháy trên địa bàn 
 

Thời gian qua Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã thực hiện TXCT đ-đúng luật, bài bản, chu đáo. Các ý kiến kiến nghị của cử tri tâm huyết, xây dựng, đóng góp được nhiều cho hoạt động của Quốc hội, công tác xây dựng Luật, công tác giám sát, công tác quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương…

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã của TP, các cơ quan liên quan tổ chức để đại biểu Quốc hội TXCT theo quy định. Hoạt động TXCT luôn được Đoàn quan tâm, đổi mới tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện TXCT đầy đủ.

Hoạt động TXCT trước và sau kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 73 hội nghị để các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri với trên trên 17 nghìn cử tri tham dự.

Cùng với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội TP đã tổ chức 4 hội nghị TXCT chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội”; Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri với cán bộ đoàn viên công đoàn là người lao động Thủ đô lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi); Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự”.