Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Chính phủ đã rất nhanh nhạy, hiệu quả xử lý dịch Covid-19

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, Chính phủ đã rất nhanh nhạy từ việc tiếp cận, xử lý, đưa ra các giải pháp, chính việc xử lý dịch Covid-19 đã khẳng định điều này này.

Chiều 25/3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Nâng cao chất lượng giám sát, chất vấn

Thảo luận về nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Quốc hội đã tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí với nhiều đổi mới trong hoạt động, nâng cao chất lượng giám sát, chất vấn. Công tác xây dựng pháp luật qua đã được thực hiện hiệu quả, nhiều văn bản chất lượng, kịp thời giải quyết các vấn đề của cuộc sống, tạo hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. “Quốc hội đã khẳng định, thể hiện được vị trí, vai trò của cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” đại biểu bày tỏ.
 Các đại biểu thảo luận tại tổ đại biểu Hà Nội
Đánh giá cao dự thảo báo cáo hoạt động nhiệm kỳ XIV của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, dự thảo đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan về thành công nổi bật của Quốc hội nhiệm kỳ qua, với nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu đánh giá cao 6 bài học kinh nghiệm được nêu trong báo cáo. Trong đó, công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. “Tôi mong rằng Quốc hội khóa XV sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giám sát, trong đó tập trung vào những vấn đề dân sinh thu hút sự quan tâm của người dân”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nói.
Tập trung khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội cũng là ý kiến thảo luận của nhiều đại biểu. Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam) nhận định, công tác giám sát Quốc hội đã tạo sự chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. “Tuy nhiên nếu Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương làm tốt vấn đề giám sát sẽ giúp ích cho tỉnh, địa phương rất nhiều trong phát triển kinh tế tại địa phương”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, phần lớn hoạt động giám sát hiện nay đều dựa vào báo cáo của đơn vị, địa phương, còn thiếu tính thực tiễn, từ đó chất lượng giám sát nhiều vụ việc chưa cao. Do đó đại biểu đề nghị Quốc hội khóa XV cần hướng dẫn quy trình cho bản thân mỗi đại biểu Quốc hội phát huy vai trò, có thể tự thực hiện việc giám sát.
Chính phủ đã quan tâm, lắng nghe doanh nghiệp, người dân
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu thảo luận về nhiệm kỳ Chính phủ cho rằng, Chính phủ đã có sự sâu sát, quan tâm, lắng nghe doanh nghiệp, người dân và các quyết sách đã quan tâm tới thực tiễn. Chính phủ cũng xử lý được nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống. Bởi theo ông, xã hội càng phát triển sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã rất nhanh nhạy từ việc tiếp cận, xử lý, đưa ra các giải pháp, chính việc xử lý dịch Covid-19 đã khẳng định vấn đề này.
Góp ý vào báo cáo của Chính phủ, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh những thành tựu, cũng còn nhiều những vấn đề cần lưu tâm như việc xử lý 12 dự án thua lỗ thời gian qua còn chậm; cổ phần hóa DNNN còn vướng về thể chế nên không đạt yêu cầu. Đăc biệt, mong đợi để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng chưa đạt được như kỳ vọng, số lượng doanh nghiệp kinh tế tư nhân lớn vẫn còn rất ít.
“Giáo dục phải được đặc biệt quan tâm hơn để bảo đảm giáo dục những thế hệ học sinh phát triển toàn diện, có đạo đức tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải được chất vấn nhiều hơn trước Quốc hội”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.