Đại biểu Quốc hội: Chúng ta đã 4 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham gia thảo luận ngày 29/3 tại Hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho biết, dù nhiệm kỳ 14 của Chính phủ đã tập trung quan tâm, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, thể hiện ở mức đầu tư cho an sinh xã hội chiếm đến 21% chi trong GDP - là cao nhất trong các nước ASEAN, tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp mà lại có xu hướng giãn ra.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đưa ra thông tin: Phân hóa giàu nghèo tăng lên thể hiện qua mức chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất của dân số và 20% nghèo nhất vào năm 2014 là 9,7 lần, đến năm 2018 thì đã lên đến 10 lần.
Để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nên nghiên cứu xây dựng một sàn an sinh xã hội để làm căn cứ xây dựng chính sách bảo vệ cho người dân không rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Với các căn cứ mức lương tối thiểu, chuẩn nghèo đa chiều hiện nay, không thể phân biệt được ai sẽ đứng dưới sàn an sinh xã hội và ai sẽ bị bỏ lại phía sau. Do đó, rất cần có một thước đo cơ bản xác định một mặt bằng ngang để thấy rằng ai đang cần nhà nước bảo hộ.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Nghị quyết Trung ương số 27 đã khẳng định là chúng ta phải cải cách chính sách tiền lương, lẽ ra là trong nhiệm kỳ Quốc hội này, nhưng chúng ta chưa làm được, vì chúng ta chưa có ngân sách và cũng chưa cải tiến được bảo hiểm xã hội."

Cũng theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, những người về hưu trước năm 1993 lương rất thấp. Nếu cải cách được chính sách tiền lương thì sẽ giải quyết được cho cả những người đang làm việc và cả những người nghỉ hưu.
“Đây là một tinh thần rất đổi mới của Nghị quyết số 27 của Trung ương, nhưng rất tiếc, chúng ta đã 4 lần lỡ hẹn với công nhân, viên chức và người lao động, chưa cải cách được chính sách tiền lương”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ, Quốc hội khóa 14 tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương, để đảm bảo tiền lương là điều kiện để thúc đẩy tăng năng suất lao động, và tiền lương thể hiện giá trị của sức lao động, được thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động.

Việc bồi đắp văn hóa là việc cần làm mọi lúc, mọi nơi và không có điểm dừng

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn tỉnh Hải Dương) cho rằng trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhìn lại những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc phát triển văn hóa chưa tương xứng với việc phát triển kinh tế, mặc dù đã đầu tư nhiều khoản kinh phí cho việc phát triển văn hóa.

Báo cáo của Chính phủ đã nêu rất rõ các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Kết thúc một nhiệm kỳ, mở đầu nhiệm kỳ mới, đại biểu đề nghị có giải pháp tổng thể, hiệu quả để phát triển văn hóa, từ đó huy động sức mạnh to lớn để đưa đất nước vượt qua các khó khăn. “Việc bồi đắp văn hóa là việc cần làm mọi lúc, mọi nơi và không có điểm dừng”.

 Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn tỉnh Quảng Ngãi ), nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thực sự thể hiện sâu sắc hiện thân khối đại đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì dân, vì nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xứng đáng với vai trò là vị trí cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng nhiệm kỳ qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện với nhiều kết quả nổi bật về thành tựu kinh tế xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Thời gian tới chúng ta phải đối diện với tình trạng giá hóa dân số, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nếu như chúng ta không có những bước chuẩn bị chiến lược, chính sách kịp thời, phù hợp như hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn dân, hỗ trợ những người hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng cuộc sống an toàn hạnh phúc. Đây là kỳ vọng lớn lao và đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Cùng với phát triển kinh tế, đại biểu cũng đề nghị phải đầu tư tương xứng cho văn hóa, giáo dục để tạo nền tảng phát triển bền vững, toàn diện cho đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần