Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Chuyển cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, hàng nghìn người sẽ làm gì?

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 16/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đề cập tới việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn tỉnh Điện Biên) cho rằng Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa tuân thủ một cách đầy đủ theo trình tự thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số chính sách không được đánh giá tác động hoặc được đánh giá tác động ở Báo cáo đánh giá tác động trong hồ sơ để đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã có sự thay đổi.
Đại biểu Trần Thị Dung đưa ra ví dụ việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở trong Báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra bất cập. Đặc biệt là trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ cũng không chỉ ra bất cập để có sự sửa đổi, bổ sung hoặc chuyển cơ quan khác cấp phép đào tạo, sát hạch. Việc này liên quan rất lớn đến hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, lực lượng thanh tra giao thông đang gắn liền với giao thông đường bộ thì liệu có tiếp tục tồn tại và thực hiện chức năng của mình nữa hay không? Còn nếu không thì trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và trong Báo cáo đánh giá tác động không thấy đề cập đến việc chuyển lượng thanh tra giao thông làm nhiệm vụ gì, vì vậy cần làm rõ hơn.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Sinh – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế (Đoàn tỉnh Quảng Trị) thẳng thắn góp ý, việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô từ Bộ giao thông vận tải sang Bộ Công an là chưa thuyết phục. Vì điều này không phù hợp với chủ trương của Đảng về chuyển các nhiệm vụ có điều kiện dân sự hoá thì chuyển cho các Bộ không thuộc Quốc phòng, Công an quản lý, nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng lực lượng quân đội, công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Ông Đỗ Văn Sinh dẫn số liệu từ năm 1995, Bộ giao thông vận tải nhận nhiệm vụ quản lý việc cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô từ Bộ Công an. Đến nay, cả nước có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 135 trung tâm sát hạch lái xe ô tô, đã được xã hội hoá 100%, với hệ thống vật chất, trang thiết bị đồng bộ đáp ứng yêu cầu và phù hợp thực tiễn.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết thêm, trong thời gian qua có ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn tồn tại và là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông do vậy cần phải chuyển sang cơ quan Công an, nhưng con số thống kê cho thấy, số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100.000 giấy phép lái xe được cấp lại liên tục giảm.
Mặt khác qua thống kê phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy, nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông. Và 90% số các vụ tai nạn nghiêm trọng đối với người điều khiển phương tiện giao thông có giấy phép lái xe từ 7 đến 10 năm. Như vậy ý kiến trên là chưa thuyết phục.
Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải đã và đang đầu tư công nghệ hiện đại cho việc cấp, đổi, quản lý giấy phép lái xe, đồng thời thực hiện trên Cổng dịch vụ quốc gia về đổi giấy phép lái xe. Ngành giao thông vận tải có khoảng 2.200 cán bộ, công chức viên chức đang làm việc trong lĩnh vực này. Trong trường hợp chuyển sang Bộ Công an thì sắp xếp cho những lao động này, trong khi Bộ Công an phải bổ sung lực lượng để tiếp nhận công việc mới. Toàn bộ cơ sở vật chất có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành giao thông vận tải có nguy cơ bị thừa, trong khi ngành Công an phải đầu tư thiết bị chung gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước…
“Với những ý kiến nêu trên: “Tôi đề nghị Quốc hội xem xét không chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ giao thông vận tải sang Bộ Công an” - đại biểu Nguyễn Văn Sinh nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn TP Đà Nẵng) cũng đề nghị phải làm rõ hai việc: Tách hai luật trong điều kiện gấp gáp và giải quyết hệ luỵ khi chuyển đào tạo, cấp giấy phép lái xe sang Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ thì cơ sở vật chất, con người giải quyết thế nào?.
Còn theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), hiện lực lượng vũ trang có nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng, do đó không nên giao thêm những việc mà các bộ phận khác có thể đảm trách. Còn Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh yếu kém trong quản lý giao thông đường bộ nói chung và việc cấp giấy phép lái xe nói riêng.
Cũng tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về tiêu chuẩn của Quốc lộ, rà soát an toàn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, giao thông thông thôn, cần có thêm biển chỉ đường giúp cho người lái xe đi đúng hướng...