Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Cơ cấu ngân sách Nhà nước chưa vững chắc

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ cấu ngân sách Nhà nước chưa vững chắc...

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, bên cạnh những thuận lợi như tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế đã được bắt đầu hồi phục khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đã dần được ổn định và hoạt động có hiệu quả, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tổng thu ngân sách vượt dự toán rất cao, tăng hơn 14% so với dự toán. Đáng chú ý là doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 163.000 doanh nghiệp.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quochoi.vn
 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cơ cấu ngân sách nhà nước chưa vững chắc, nguồn thu từ đất, từ thuế thu nhập cá nhân, vẫn còn rất lớn. Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh chỉ bằng 1/3 tổng nguồn thu, trong đó có thu từ dầu hỏa. Mặc dù các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng có địa phương thu rất cao, có địa phương thu thấp.

Trong thời gian tới, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn trong việc dự toán thu từ sử dụng đất, thu từ các nguồn thu và  cần có sự cân đối thực tế để có sự phấn đấu, tránh những trường hợp dự toán thấp để vượt thu.

Quyết liệt triển khai giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng bền vững

Trong phát biểu của mình tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (đoàn tỉnh Hà Giang) cũng nhận định, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra; việc phân bổ, triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chưa rõ; các địa phương còn lúng túng trong việc phân cấp định mức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng; giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Đoàn tỉnh Hà Giang). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Đoàn tỉnh Hà Giang). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt như trong giai đoạn vừa qua, trong đó quyết liệt triển khai tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế.

Tiếp tục thận trọng, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là các biện pháp để kiểm soát và kiềm chế lạm phát, trong đó tập trung hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đảm bảo nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm chi tiêu hợp lý. 

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023. Đồng thời cũng đề nghị không vì việc kéo dài này mà giảm đi số vốn của 3 Chương trình mục tiêu năm 2023 cho các địa phương để đảm bảo đúng tiến độ mục tiêu của 3 Chương trình.