Ngày 4/11, thảo luận ở tổ về dự án Luật giáo dục đại học, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, luật này cần thiết trong bối cảnh các trường bùng nổ nhưng chất lượng chưa được đảm bảo. Tuy nhiên, dự luật còn chung chung, chưa thể chế hóa một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết vấn đề phân tầng đại học, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường. Ủng hộ dự luật đi theo hướng nhấn mạnh tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, trường nào đầu tư đúng mức cho cả thi tuyển đầu vào và chất lượng đầu ra thì ngày càng có thương hiệu uy tín, càng thu hút được đầu vào tốt và đầu ra đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo Hiệu phó ĐH Kinh tế TP HCM, trường công lập do thu học phí thấp nên cũng khó có thể đạt chất lượng cao hơn. Vì vậy, cần mạnh dạn thay đổi cơ chế học phí, để các trường được tự chủ tài chính, khi ấy sẽ có cách lấy thu bù chi, tích luỹ hợp lý, nâng cao chất lượng tương xứng với mức học phí.
Cũng theo ông Ngân, mong mỏi nhất của hơn 300 ĐH, CĐ công lập chính là được tự chủ tài chính. Ngân sách nhà nước nên dành hết cho mầm non, còn bậc đại học thì cho tự chủ để thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo. Đồng thời, các trường cần được tự chủ về tổ chức, nhân sự, chương trình học, giáo án, nghiên cứu khoa học, thay vì nghiên cứu theo phân bổ và chờ ngân sách như hiện nay. Đồng tình với việc để các trường tự chủ tuyển sinh đầu vào, nhưng đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP HCM) đề nghị điểm sàn phải do nhà nước quy định, không để tình trạng đầu vào quá thấp, không đảm bảo đầu ra, khiến xã hội nghi ngờ chất lượng như trường hợp không tuyển cử nhân dân lập của Nam Định gần đây. Bên cạnh đề nghị giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các ĐH, CĐ, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP HCM) còn cho rằng, cần bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các trường. Đồng thời, nên dừng thành lập mới trường đại học, cao đẳng. Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) đặt câu hỏi: "Chúng ta có 90 triệu dân, hơn 400 đại học, cao đẳng. Vậy bao nhiêu là đủ? Sắp tới có mở tiếp?". Trong lúc chờ câu trả lời, đại biểu này đề nghị ngành giáo dục đánh giá lại trong số hơn 400 ĐH, CĐ, bao nhiêu trường đạt tiêu chuẩn. Theo đại biểu Chu Sơn Hà, thời gian qua, ĐH Nguyễn Trãi thuê khán đài A sân vận động Mỹ Đình, ĐH Hòa Bình thuê một phần Viện Bảo hộ lao động... làm trụ sở, giảng đường. "Nếu năm 2013 luật có hiệu lực, tất cả trường có đủ điều kiện hoạt động?", đại biểu này chia sẻ.