Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ môi trường

Hồng Thái - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững

Phát biểu góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường. Đại biểu cho biết, hiện nay việc kiểm soát chất thải ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó có rác thải rắn…

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường.

Theo đại biểu, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị, hóa lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải. Tuy nhiên chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng. Hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, nhưng chỉ có chưa đến 20%  bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường mà còn khiến cho Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

Theo đại biểu, tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số máy móc, thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp, rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn. Thế nhưng, tại các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức.

Đại biểu nhấn mạnh, rác thải nếu được phân loại và tận dụng triệt để giá trị thì cũng là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt cũng chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định rõ lộ trình với những biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu tăng cường hơn nữa các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp trong xử lý, tái tạo chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Hỗ trợ học sinh mầm non vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn tỉnh Phú Thọ) cho biết, hiện nay trẻ mẫu giáo 3- 6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ tiền ăn trưa và miễn học phí theo quy định. Nhưng trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở khu vực này vẫn phải đóng 100% học phí và không được hỗ trợ ăn trưa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xác đặc biệt khó khăn để cha mẹ các em yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn tỉnh Phú Thọ) kiến nghị kỗ trợ học sinh mầm non vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn tỉnh Phú Thọ) kiến nghị kỗ trợ học sinh mầm non vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Đại biểu cũng cho rằng, tăng trưởng những tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu chững lại, gây áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Theo đại biểu, bên cạnh nguyên nhân Chính phủ đã nêu có nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đó là một số nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội thực hiện chưa tốt, trong đó chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tại Phú Thọ phản ánh thực hiện Thông tư của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy chữa cháy cho công trình đã khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, gây đình trệ trong sản xuất kinh doanh. Trước ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhưng việc triển khai vẫn chậm. Do vậy, đại biểu đề nghị các bộ ngành rà soát thực hiện Công điện của Chính phủ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Chú trọng công tác đánh giá, dự báo tình hình

Cơ bản tán thành với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) cho rằng, bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường thế giới cũng có tác động nhiều chiều đến kinh tế trong nước. Từ đó, cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất nhập khẩu.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) thảo luận tại hội trường.

Đại biểu dẫn chứng, trong sự giảm sút của các ngành công nghiệp gia công chế biến, thâm dụng lao động như dệt may, da giầy, đồ gỗ… Ngoài tình hình thị trường còn có sự cạnh tranh trong chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất do giá lao động tỷ giá lãi suất, chi phí môi trường làm cho sản phẩm của nước ta làm ra đắt hơn thì họ phải di chuyển sản xuất đi quốc gia khác. Nước ta từng nhận chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến hơn nhưng các hàng rào kỹ thuật của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế về xuất xứ hàng hóa, môi trường sản xuất xanh, giảm khí thải carbon, lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa kiểm dịch cũng là những trở ngại.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của chính mình trong bối cảnh có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với thế giới; còn lại là nền tảng cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ các cấp các ngành, các địa phương, bài bản, khoa học, sát với thực tiễn của tình hình.

Về vấn đề chuyển đổi số quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, trong chuyển đổi số của lĩnh vực ngân hàng chưa thực sự quan tâm định hướng dẫn dắt loại ngân hàng số mới Neo Bank, hướng tới các dịch vụ được cá nhân hóa ưu tiên sự tiện lợi trên nền tảng kỹ thuật số, cung cấp nhiều tính năng vượt trội những giải pháp tối ưu nhất mà ngân hàng truyền thống không làm được như tốc độ nhanh hơn, chi phí rẻ hơn và đặc biệt là tất cả đều được tích hợp chỉ trong một ứng dụng di động.

Về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên phân tích thêm về vướng mắc nhất trong giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đối với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu chỉ rõ, vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương theo từng dự án thành phần giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục văn hóa, kinh tế dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương. Nội dung cần chi cần thì không được phân bổ, có những nội dung thì được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi không thể giải ngân được….

Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia trên tinh thần cho phép địa phương được chủ động điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của Chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.