Quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả
Đa số đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.
Các đại biểu nhận thấy, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn tỉnh Quảng Bình) và nhiều đại biểu cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế như việc đánh giá thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch. Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư…
Một số ý kiến đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu để rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là các chỉ tiêu đạt dưới 50% như: đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hiện trạng sử dụng đất thực tế tại các địa phương, cập nhật để bảo đảm chính xác, phù hợp với thực tế, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, khoa học, khách quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan, hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn.
Đề cập đến chỉ tiêu đất bãi thải, xử lý chất thải giai đoạn 2010 - 2020 đạt rất thấp (chỉ 37,29%), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho rằng, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất để làm khu xử lý chất thải rắn rất khó khăn, đặc biệt là tại các tỉnh có diện tích nhỏ; trong khi thực tiễn, một số khu vực diện tích đất bãi thải lớn đã gây nhiều hệ lụy cho môi trường.
Trong khi đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải. Do vậy, các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường cần phải bám sát định hướng này. Đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần rà soát chỉ tiêu này theo hướng giảm diện tích đất bãi thải, bố trí quy hoạch đất cho xử lý chất thải (chất thải rắn, nước thải), quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải tại các đô thị, khu vực nông thôn một cách hợp lý.
Việc đề ra các chỉ tiêu và giải pháp phù hợp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các đại biểu cũng đề xuất chú trọng đến yếu tố nền tảng số trong công tác quản lý nhà nước về đất đai chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thực tế cho nền kinh tế và người dân, đặc biệt khi chúng ta đang chuẩn bị cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Thu hẹp hay giữ nguyên diện tích đất trồng lúa?
Về đất trồng lúa, các đại biểu cho rằng, để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Chính phủ càn báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011-2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) đồng tình với việc giữ nguyên diện tích đất trồng lúa cho phù hợp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Tuy nhiên để đạt các mục tiêu đến năm 2030, đại biểu nhận thấy, xu hướng công nghiệp hóa và phát triển đô thị để nâng cao hiệu quả sử dụng đất là tất yếu. Đồng thời, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất của các ngành, trong đó có nông nghiệp, việc quy hoạch sử dụng đất đai cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện hơn, nhất là với việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng trọt sang đất đô thị, đất công nghiệp. Đại biểu cũng đề nghị các vấn đề này cần được dự báo và điều chỉnh linh hoạt, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đề nghị Quốc hội phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo đại biểu, đây cũng là mong muốn của các địa phương hiện nay và phù hợp với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
Cũng đề cập vấn đề đất trồng lúa, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho rằng khái niệm “an ninh lương thực quốc gia” cần hiểu rộng hơn, không chỉ là gạo mà còn đa dạng các thực phẩm khác đảm bảo dinh dưỡng, sức khoẻ. Gạo là chính chứ không phải tất cả và số liệu thống kê cho thấy nhu cầu sử dụng gạo tiếp tục giảm nhiều trong tương lai.
Dẫn các số liệu chứng minh, đại biểu cho rằng việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa là quá lớn, đại biểu đề nghị giảm diện tích vì nếu vẫn giữ như quy hoạch thì Đồng bằng sông Cửu Long gánh vai trò đảm bảo an ninh lương thực quá lớn, 10 năm tới khó đô thị hóa và phát triển nhanh được.
Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành, vùng trọng điểm, dự báo sát tình hình biến động của các loại đất đai. Từ đó có phương án sử dụng đất linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, duy trì an ninh lương thực, vừa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhất là những vùng chịu ảnh hưởng, tác động lớn như đồng bằng sông Cửu Long.