Chiều 22/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội làm việc tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu thảo luận |
Với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Tình trạng khẩn cấp có 3 tình trạng đó là tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp về thiên tai và dịch bệnh. Nếu ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh; bên cạnh đó, việc mua vật tư y tế, sinh phẩm cũng không phải thông qua đấu thầu.
Cùng đó, cần cương quyết hơn, quyết liệt hơn trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch để ổn định tình hình, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện sớm, nhanh Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, để giải quyết đời sống, khó khăn cho người dân yếu thế. Chú trọng nghiên cứu, sản xuất vaccine, chú trọng phân bổ vaccine công khai, minh bạch, đặc biệt ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện “mục tiêu kép”.Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ nghiên cứu thông điệp mạnh mẽ hơn, ưu tiên cho phòng, chống dịch rồi mới phát triển kinh tế. Bởi nếu chống dịch tốt xã hội mới ổn định, người dân mới an tâm và hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế. Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch trong điều kiện không bình thường trước đại dịch Covid-19 hiện nay. Phải có cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng trong điều kiện không bình thường hiện nay.
Ngoài ra, Chính phủ nghiên cứu có thông điệp mạnh mẽ hơn, ưu tiên cho chống dịch rồi mới phát triển kinh tế. Bởi nếu chúng ta chống dịch tốt xã hội mới ổn định, người dân mới an tâm và hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế.
Đại biểu Phan Huỳnh Sơn (Đoàn An Giang) đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể hơn, sát sao hơn với tình hình, phương châm “chống dịch như chống giặc”. “Cùng đó, chúng ta phải quan tâm đến vaccine - đây là vũ khí phòng, chống dịch hiệu quả khi hiện chưa có thuốc điều trị. Chính phủ phải quyết liệt, tập trung trong chủ động nguồn cung thông qua sản xuất vaccine trong nước” - đại biểu đề nghị.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, với việc mua vaccine, hiện mới chỉ có một đơn vị mua, đó là Công ty Vaccine Việt Nam (VNVC) hoặc viện trợ; còn lại các đơn vị khác chưa mua được, vậy vướng ở đâu? Quốc hội họp là thời cơ để tháo gỡ khó khăn cho việc mua vaccine, trong khi vaccine là chìa khóa để chúng ta thoát khỏi dịch bệnh; nhất là hiện chúng ta đã chuyển hướng sang tiêm vaccine thì cần linh động về cơ chế vì dịch bệnh phức tạp, chúng ta lại phải lo vaccine cho cả cộng đồng.